Yêu cầu tòa án xác nhận cha cho con

12/02/2023 - 18:15

Chị Lê Thị H có nhu cầu tư vấn: Tôi và anh A yêu nhau và có một con trai. Chúng tôi không đăng ký kết hôn, tôi làm khai sinh cho cháu mang họ mẹ. Nay tôi muốn cho cha cháu nhận lại con (đã 5 tuổi). Xin hỏi thủ tục để nhận lại con ra sao?

Thắc mắc của chị được luật sư Võ Tấn Thành (Đoàn Luật sư Bến Tre), tư vấn như sau:

Điều 90 Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) năm 2014 quy định: Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết. Con đã thành niên nhận cha, không cần phải có sự đồng ý của mẹ; nhận mẹ, không cần sự đồng ý của cha.

Về quyền nhận con, Điều 91 Luật HN&GĐ quy định: Cha, mẹ có quyền nhận con, kể cả trường hợp con đã chết. Trong trường hợp người đang có vợ, có chồng mà nhận con thì việc nhận con không cần phải có sự đồng ý của người kia.

Mặt khác, Điều 88 Luật HN&GĐ quy định việc xác nhận cha, mẹ: Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha, mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

Luật cũng quy định, trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được tòa án xác định.

Về thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con, Điều 101 Luật HN&GĐ quy định: Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp có tranh chấp. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của luật này (người có yêu cầu chết). Quyết định của tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Căn cứ quy định pháp luật nêu trên thì cha của đứa bé có thể làm thủ tục yêu cầu tòa án xác định cha cho con. Thủ tục gồm: đơn yêu cầu xác định cha cho con; căn cước công dân (hoặc chứng minh nhân dân); hộ khẩu; giấy khai sinh của con; văn bản giấy tờ chứng minh mối quan hệ cha con (như kết quả giám định AND, thư từ, tài liệu, phim ảnh, người làm chứng…). Sau khi tòa án ra quyết định công nhận quan hệ cha con, chị cần mang quyết định của tòa án tới UBND xã để làm thủ tục thay đổi thông tin người cha và họ tên của con trên giấy khai sinh.

H. Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN