Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng gây ra

20/11/2022 - 18:38

Ông Nguyễn Văn Tuân có nhu cầu tư vấn: Nhà tôi liền kề với nhà ông A. Tôi sửa chữa nhà và có thỏa thuận miệng với ông A, quá trình thi công nếu có làm hư hỏng nhà ông A thì sẽ đền bù cho ông (có chứng kiến của 2 người hàng xóm). Khi nhà tôi làm gần xong thì ông A khiếu nại, yêu cầu tôi bồi thường vì tường nhà ông bị rạn nứt nhiều chỗ. Trong khi nhà ông A (cấp 4) xây dựng đã 10 năm và xuống cấp nhiều. Xin hỏi: Tôi có phải bồi thường cho ông A hay không, tôi phải làm sao?

Thắc mắc của ông được luật sư Võ Tấn Thành (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Điều 605 của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra: Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng gây thiệt hại cho người khác. Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.      

Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại, tại khoản 1, Điều 585 BLDS quy định như sau: Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc; phương thức bồi thường được thực hiện một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Theo nội dung ông trình bày, khi ông làm nhà gần xong thì ông A khiếu nại yêu cầu bồi thường, vì tường nhà bị rạn nứt. Trong khi nhà ông A là nhà cấp 4, xây dựng đã 10 năm và xuống cấp nhiều. Để có cơ sở xác định nhà ông A bị rạn nứt có phải do quá trình thi công xây dựng nhà của ông gây ra, hay do nhà ông A xuống cấp, thì một trong hai bên có thể thuê cơ quan giám định để xác định nguyên nhân gây ra rạn nứt và mức độ thiệt hại cụ thể.

Trên thực tế đã có nhiều vụ tranh chấp (không riêng gì tranh chấp liên quan đến bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra) thì kết quả giám định, thẩm định luôn là nguồn căn cứ rất quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xét xử của tòa án. Trường hợp ông A đã khởi kiện ra tòa án yêu cầu ông bồi thường thiệt hại thì ông A phải yêu cầu tòa án thu thập chứng cứ: “giám định nguyên nhân gây ra thiệt hại và mức độ thiệt hại thực tế” để làm căn cứ tòa án giải quyết đúng quy định của pháp luật.

Về phần ông thì ông cũng phải có chứng cứ để chứng minh việc ông xây nhà không làm hư hỏng nhà của ông A (như trước đó, tường nhà ông A đã xuống cấp và có người làm chứng việc này hoặc chứng cứ khác như lúc ông A xây tường nhà không đảm bảo chất lượng thi công, hoặc do đất ở gần mương nên bị sạt lở và đã làm ảnh hưởng đến tường nhà của ông A…). Do vậy, ông nên thương lượng với ông A để cùng thuê cơ quan giám định nhằm xác định nguyên nhân gây ra nứt tường của ông A và mức độ thiệt hại cụ thể. Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để tòa án giải quyết vụ kiện.

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích