Thăm hỏi người dân tại điểm cấp nước miễn phí xã An Hóa, huyện Châu Thành.
Đoàn đã khảo sát tại Trạm bơm dã chiến đập tạm Thành Triệu, NMN An Hóa, huyện Châu Thành, NMN Long Định, huyện Bình Đại và Hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp - Ba Tri.
Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 67 nhà máy cấp nước sạch đang hoạt động với tổng công suất 10.500m³/giờ (khoảng 250.000m³/ngày đêm), chủ yếu khai thác từ nguồn nước mặt tại chỗ để xử lý. Tuy nhiên, mặn xâm nhập sâu nên ảnh hưởng đến nguồn lấy nước của các nhà máy.
Nhằm chủ động ứng phó tình hình xâm nhập mặn, UBND tỉnh Bến Tre và các sở, ngành có liên quan đã chỉ đạo các đơn vị cấp nước xây dựng kế hoạch, phương án cấp nước không nhiễm mặn để phục vụ nhu cầu sử dụng nước của nhân dân. Các đơn vị cấp nước đã chủ động thực hiện đo, kiểm tra độ mặn và có kế hoạch lấy nước phù hợp với diễn biến xâm nhập mặn, cung cấp số liệu đo mặn cho các địa phương và người dân biết để có kế hoạch trữ, sử dụng nước ngọt hợp lý. Tổ chức đo mặn tại nguồn nước thô và độ mặn sau xử lý để có kế hoạch trữ nước, vận hành nhà máy phù hợp kết hợp vận hành hệ thống lọc mặn RO.
Theo Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre, Trạm bơm dã chiến tại đập tạm Thành Triệu hiện có 6 thuyền bơm (trong đó có 4 thuyền của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, 2 thuyền của Công ty cổ phần Cấp thoát nước); mỗi thuyền bơm có 2 máy bơm động cơ điện công suất 15kW đến 22kW. Lưu lượng của mỗi thuyền bơm trung bình là 2.000m3/giờ. Tổng lưu lượng của toàn bộ thuyền bơm là 14.000m3/giờ (tương đương 300.000m3/ngày).
Các thuyền bơm và máy bơm đặt tại đập tạm Thành Triệu nhằm mục tiêu bơm nước ngọt vào lưu vực trữ nước trong hệ thống kênh mương thuộc các xã Thành Triệu, An Hiệp, Tường Đa (Châu Thành), xã Sơn Đông, TP. Bến Tre (kênh sông Mã - kênh Thương Binh) để cung cấp nước cho tưới tiêu và các NMN An Hiệp, Sơn Đông, Hữu Định thuộc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre và các NMN khác để xử lý cấp nước sạch.
Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước sinh hoạt Châu Thành Lê Vũ Phong cho biết, khi các nhà máy của công ty bị nhiễm mặn, công ty đã thành lập các điểm cung cấp nước ngọt miễn phí (bồn chứa 5m³) tại các xã và các ấp trên địa bàn. Riêng trên địa bàn xã An Hóa, hiện đã có khoảng 35 điểm cấp nước ngọt miễn phí cho người dân. Ngoài ra, công ty vẫn duy trì việc cho xe tải chở nước ngọt đến nhà khách hàng sử dụng nước nhiều như: khu nhà trọ, các công ty kinh doanh dịch vụ, trường học... Tính đến thời điểm hiện tại, tổng chi phí cho việc cấp nước ngọt miễn phí là hơn 400 triệu đồng. Ông Lê Vũ Phong khẳng định, công ty sẽ nỗ lực duy trì việc cấp nước ngọt miễn phí cho khách hàng cho đến hết mùa mặn và cam kết không để khách hàng phải đi mua nước ngọt với giá cao.
Qua kiểm tra thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam bày tỏ niềm vui khi công tác phòng chống hạn mặn được chính quyền các cấp cũng như người dân chủ động thực hiện. Nhận định hạn mặn năm nay diễn biến rất phức tạp, kéo dài, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát từng xã, từng vùng dân sử dụng nước nhiễm mặn để có phương án xử lý giúp dân. Các NMN đảm bảo kết nối để có nước ngọt cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Nơi nào bị nhiễm mặn mà không có điều kiện kết nối thì chở nước ngọt về cấp cho dân đủ nước sinh hoạt. Trong điều kiện khó khăn cung cấp nước vượt ngưỡng mặn cho phép thì vận động các doanh nghiệp, các nhà máy chia sẻ giảm giá cho dân.
Tận dụng hết các máy RO, phát động khơi các giếng nước đã xây dựng mấy năm qua để phục vụ cho dân. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động toàn dân sử dụng nước tiết kiệm. Các địa phương tiếp tục nhân rộng, mở thêm nhiều điểm cấp nước ngọt miễn phí cho người dân, cố gắng mỗi ấp có một điểm cấp nước miễn phí.
Tin, ảnh: Huyền Trang