BDK.VN - Chiều 7-11-2024, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), có 47 lượt đại biểu đăng ký tham gia phát biểu.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre phát biểu tại hội trường, chiều 7-11-2024.
Tham gia thảo luận tại hội trường vềdự án Luật Điện lực (sửa đổi),đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre có một số ý kiến góp ý trực tiếp vào dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
Thứ nhất, về chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện lực Điều 19
Tại điểm b khoản 1 Điều 19 dự thảo Luật quy định: “Trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án tại khoản này thực hiện theo Luật Đầu tư. UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quy định tại điểm a khoản này có trách nhiệm lấy ý kiến UBND các tỉnh còn lại trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ”.
Đại biểu cho rằng hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư gửi lấy ý kiến UBND các tỉnh lận cận có lưới điện đi qua trong thời hạn 3 ngày là quá ngắn, không đủ thời gian để UBND các tỉnh lân cận nghiên cứu, thẩm định, thông qua thành viên UBND để cho ý kiến đối với hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư. Vì vậy đại biểu đề nghị nâng quy định này lên 7 ngày.
Tại điểm a khoản 2 Điều 19 dự thảo Luật quy định:“UBND cấp tỉnh có trách nhiệm phê duyệt danh mục dự án đầu tư lưới điện trung áp, hạ áp cần đầu tư trên địa bàn trên cơ sở đề xuất của các đơn vị điện lực, nhà đầu tư bảo đảm không vượt khối lượng đã phê duyệt trong phương án phát triển nguồn, lưới điện trong quy hoạch tỉnh”.
Tuy nhiên, theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 10 dự thảo Luật thì lưới điện hạ áp không thuộc phạm vi cấp Quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển nguồn, lưới điện của tỉnh. Do đó, đề nghị điều chỉnh lại quy định này cho phù hợp.
Thứ hai, về phát triển điện ở vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tại Điều 24.
Tại khoản 5 Điều 24 dự thảo Luật quy định: “Dự án đầu tư tại thôn, xã đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt theo Luật Đầu tư”.Đại biểu đề nghị bổ sung thêm đối tượng “xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo” (theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025) cho đầy đủ và đồng bộ để địa phương dễ triển khai thực hiện.
Thứ ba, về hình thức lựa chọn nhà đầu tư dự án điện lực tại Điều 26.
Tại điểm c khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật quy định: “Dự án khẩn cấp thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật này”.Tuy nhiên, tại Điều 20 dự thảo Luật lại quy định về các trường hợp dự án, công trình điện khẩn cấp và tại khoản 2 Điều 26 lại quy định “Các dự án, công trình xây mới hoặc sửa chữa, cải tạo, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm hoạ, dịch bệnh” nhưng không quy định hình thức lựa chọn nhà đầu tư dự án điện lực. Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh lại nội dung này cho phù hợp.
Thứ tư, về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực không thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư công tại Điều 27
Tại khoản 7 Điều 27 dự thảo Luật quy định: “Trong thời gian 6 tháng kể từ ngày phê duyệt kết quả đấu thầu, chủ đầu tư phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng dự án điện lực. Trong thời gian 6 tháng kể từ ngày phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án điện lực, bên mua điện và nhà đầu tư trúng thầu thực hiện đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện trên cơ sở các chi phí hợp lý, hợp lệ tại Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án điện lực được duyệt theo đúng các quy định của pháp luật”.
Đại biểu cho rằng tại khoản 3 Điều 27 dự thảo Luật quy định trong hồ sơ mời thầu được lập trên cơ sở các tài liệu trong đó có dự thảo hợp đồng mua bán điện được cơ quan tổ chức đấu thầu thống nhất với bên mua điện và nhà đầu tư đã xem xét và đồng ý với dự thảo hợp đồng mới tham gia đấu thầu.
Như vậy thì hợp đồng mua bán điện đã được cơ quan tổ chức đấu thầu thống nhất với bên mua bán điện, nhà đầu tư khi trúng thầu thì chỉ ký hợp đồng mua bán điện, không cần thiết phải đàm phán với bên mua điện, nếu sau khi trúng thầu mà quy định phải đàm phán với bên mua điện thì sẽ gây ra sự bất lợi, khó khăn cho nhà đầu tư.
Thứ năm, về thanh toán tiền điện trong hợp đồng mua bán điện đối với khách hàng sử dụng điện tại Khoản 4 Điều 77dự thảo Luật quy định: “Bên mua điện không trả tiền điện theo quy định và đã được bên bán điện thông báo hai lần thì bên bán điện có quyền ngừng cấp điện…”.
Việc thông báo ở đây chưa được xác định cụ thể bằng hình thức nào: thông báo bằng văn bản hay thông báo bằng cách gọi điện thoại hay bằng tin nhắn…như vậy sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ như sau: “Bên phía mua điện khi không trả tiền điện theo quy định và đã được bên bán điện thông báo bằng văn bảnhai lần thì bên bán điện có quyền ngừng cấp điện….”.