Giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp số

18/10/2021 - 06:30

BDK - Với chỉ gần 80 doanh nghiệp (DN) công nghệ thông tin (CNTT) trong tổng số khoảng 5.440 DN cho thấy tỉnh chưa phát triển mạnh mẽ loại hình DN số, nhưng đây cũng được xem là điểm thuận lợi để tỉnh phát triển DN công nghệ số (CNS) dựa trên xuất phát điểm bằng 0.

VNPT Bến Tre và Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre ký kết hợp tác triển khai thanh toán tiền nước không dùng tiền mặt qua ứng dụng VNPT Pay. (Ảnh tư liệu)

VNPT Bến Tre và Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre ký kết hợp tác triển khai thanh toán tiền nước không dùng tiền mặt qua ứng dụng VNPT Pay. (Ảnh tư liệu)

Doanh nghiệp phối hợp chính quyền số

VNPT Bến Tre là đơn vị đồng hành với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao nhiệm vụ và triển khai thành công nhiều ứng dụng CNTT đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy nhà nước, quản trị DN, nhằm tiến tới mục tiêu hoàn thành xây dựng chính phủ điện tử của tỉnh.

VNPT Bến Tre đã phối hợp triển khai xây dựng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tại Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở ngành tỉnh... để kết nối trực tuyến từ Trung ương đến tỉnh, huyện, đảm bảo cho các cuộc hội nghị được nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí. VNPT cũng đã có nhiều kinh nghiệm triển khai hệ thống hội nghị truyền hình đến cấp xã.

Bên cạnh đó, hệ thống quản lý và điều hành văn bản điện tử (VNPT-iOffìce) đã được triển khai tại 100% cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhiều đơn vị ngành dọc khác. Hệ thống Cổng dịch vụ công - Một cửa điện tử (VNPT-iGate) triển khai tại 15/15 sở, 9/9 UBND huyện, thành phố, 157 UBND xã, phường, thị trấn và tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Hệ thống quản lý khám chữa bệnh (VNPT-HIS) đã triển khai 148/160 đơn vị cơ sở y tế trong toàn tỉnh (tỷ lệ 93%). Hệ thống quản lý giáo dục vnEdu triển khai đến 100% trường phổ thông, hiện đang tiếp tục triển khai tại các trường mầm non trong tỉnh. Ngoài ra, VNPT Bến Tre còn triển khai nhiều giải pháp CNTT ở các lĩnh vực khác như: giải pháp hóa đơn điện tử, giải pháp kê khai bảo hiểm xã hội, giải pháp chữ ký số, giải pháp giám sát tàu cá, giải pháp truy xuất nguồn gốc...

Hiện VNPT Bến Tre được UBND tỉnh giao thí điểm triển khai Hệ thống thông tin báo cáo kết nối liên thông đồng bộ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; thí điểm dịch vụ đô thị thông minh tại TP. Bến Tre. VNPT Bến Tre đã sớm đề xuất đầu tư, xây dựng trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh cấp tỉnh; phát triển hạ tầng Internet vạn vật (IoT); số hóa, quản lý và khai thác sử dụng tài liệu lưu trữ; xây dựng Trung tâm Điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) cấp tỉnh; Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC)...

Tạo điều kiện để doanh nghiệp số phát triển

Muốn phát triển DN CNS, theo các chuyên gia, tỉnh phải tạo mọi điều kiện tốt nhất cho DN CNS bứt phá, phát triển nhanh, bền vững, phát triển nền kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, ứng dụng CNS rộng khắp trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đầu tiên, nâng cao hiệu quả, chất lượng các dịch vụ hỗ trợ DN CNS, đẩy mạnh cung cấp thông tin phục vụ phát triển DN số, tạo điều kiện thử nghiệm đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh ứng dụng CNS và tạo thuận lợi cho DN số tiếp cận đất đai.

Các cơ quan chức năng tỉnh cũng cần tập trung, chỉ đạo triển khai các giải pháp, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để khuyến khích, phát triển mới các loại hình DN, đặc biệt là DN CNS, DN ứng dụng CNS để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, hiệu quả cao. Cần sớm rà soát các điều kiện kinh doanh chuyên ngành để tạo điều kiện phát triển DN CNS trong lĩnh vực quản lý. Tổ chức tuyên truyền đổi mới nhận thức, tư duy cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về phát triển và ứng dụng CNS trong quản lý nhà nước, trong phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên sử dụng các sản phẩm của DN CNS Việt Nam trong hoạt động của cơ quan.

Song song với đó là triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - DN gắn với chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển DN. Đặc biệt, DN CNS, DN ứng dụng CNS để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, ưu tiên vốn tín dụng cho các DN CNS. Quản lý và sử dụng có hiệu quả Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của DN để tăng cường đầu tư cho ứng dụng và đổi mới công nghệ của DN. Đảm bảo hạ tầng mạng viễn thông, CNTT và truyền thông đáp ứng yêu cầu áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng 4.0.

Các cơ quan chức năng tỉnh cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích DN CNS khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Một vấn đề hết sức quan trọng là phát triển nguồn nhân lực CNTT. Bởi đây là giải pháp đột phá có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển CNTT.

Triều Dương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN