Anh N.V.K có nhu cầu tư vấn: Tôi làm việc cho doanh nghiệp (DN) A được 1 năm. Ngày 10-7-2021, tôi có tiếp xúc với người bị nhiễm Covid-19 (F1) và bị cách ly tập trung. Sau đó, ngày 12-7-2021, DN A tạm dừng hoạt động. Xin hỏi, tôi có được hỗ trợ gì trong thời gian cách ly hay không? Trong thời gian DN tạm dừng hoạt động, tôi có được hưởng lương hay trợ cấp gì không?
Thắc mắc của anh được luật sư Lê Vũ Hồng Huệ (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 1-7-2021, có 12 chính sách nhằm hỗ trợ người lao động (NLĐ) và DN, trong đó có 8 chính sách hỗ trợ NLĐ bị mất việc, tạm nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo Nghị quyết số 68/NQ-CP về chính sách hỗ trợ NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ việc không hưởng lương cụ thể như sau: NLĐ đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ một lần với mức hỗ trợ là 1,855 triệu đồng/người đối với trường hợp nghỉ việc từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng; mức hỗ trợ một lần là 3,71 triệu đồng/người đối với trường hợp nghỉ việc từ 1 tháng trở lên.
Quy định này được áp dụng cho đối tượng là NLĐ làm việc tại DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch Covid-19.
Mặt khác, Nghị quyết số 68/NQ-CP cũng quy định mức hỗ trợ về tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19. Cụ thể: hỗ trợ tiền ăn mức 80 ngàn đồng/người/ngày đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19 (F0), thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa là 45 ngày; hỗ trợ tiền ăn mức 80 ngàn đồng/người/ngày đối với người phải thực hiện cách ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thời gian hỗ trợ tối đa 21 ngày, được áp dụng từ ngày 27-4 đến 31-12-2021.
Như vậy, trường hợp của anh là được hỗ trợ chi phí trong thời gian bị cách ly. Tuy nhiên phải đáp ứng được các điều kiện sau: có tên trong danh sách của cơ sở y tế, cơ sở cách ly lập; quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc cách ly y tế; một trong các giấy tờ như: giấy chứng sinh, giấy khai sinh, hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế (bản sao).
Trong thời gian DN tạm dừng hoạt động, về chế độ tiền lương được hưởng và trợ cấp, thì do thỏa thuận giữa anh và chủ DN, sao cho đảm bảo hài hòa lợi ích giữa NLĐ và người sử dụng lao động (DN). Vấn đề này, còn phải tùy thuộc vào thời gian làm việc, chất lượng làm việc, thời gian anh tham gia bảo hiểm xã hội để chủ DN có cơ sở thỏa thuận.
H.Trâm (thực hiện)