
Quang cảnh hội nghị.
Tham gia góp ý tại hội nghị, đa số các đại biểu cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Phòng, chống ma túy. Trong đó có nội dung bổ sung phạm vi điều chỉnh về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.
Tại Điều 12 dự thảo luật quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, các ý kiến cho rằng: Cần quy định cụ thể cơ quan chuyên trách trong phòng, chống tội phạm về ma túy để xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức; tạo chính sách, cơ chế phù hợp để các cơ quan hoàn thành trách nhiệm, quyền hạn của mình.
Điều 51 quy định về trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, đại diện Bộ đội Biên phòng tỉnh đề nghị: Sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý Khoản 2 theo hướng: “Chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng và cảnh sát biển chủ trì, phối hợp với cơ quan hữu quan của các nước, lực lượng chức năng để phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy”.
Đại biểu còn góp ý về quy định áp dụng chế độ cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người nghiện ma túy; trong đó, cần lưu ý đối tượng nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; các quy định về cơ sở cai nghiện ma túy gồm: Cơ sở cai nghiện ma túy công lập và tư nhân, các tổ chức y tế, xã hội tham gia cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng...
Về dự án Luật Phòng, chống nhiễm virút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), đại biểu kiến nghị Khoản 3 Điều 1 của dự thảo luật sửa đổi: Thuật ngữ thành viên gia đình của người nhiễm HIV/AIDS đã bao hàm đối tượng vợ, chồng; dự thảo luật chỉ đề cập đến người có quan hệ tình dục đồng tính nam, chưa quy định về có quan hệ tình dục đồng tính nữ; Khoản 10, Điều 1 quy định thông báo kết quả xét nghiệm HIV cần bổ sung về trường hợp người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV cũng cần được thông báo kết quả xét nghiệm. Tại Điều 11, đại biểu đề nghị đưa nhóm có quan hệ tình dục đồng giới nam lên trước nhóm người sử dụng ma túy.
Các đại biểu cũng thống nhất việc xét nghiệm HIV tự nguyện cho người từ 15 tuổi trở lên nhằm mở rộng đối tượng xét nghiệm và đưa vào điều trị kịp thời những trường hợp nhiễm HIV/AIDS. Ngoài ra, các đại biểu còn góp ý về một số quy định liên quan đến phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV; đối tượng tiếp cận thuốc kháng HIV; công tác thông tin, giáo dục, truyền thông trong phòng, chống HIV/AIDS...
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre, bà Trần Thị Thanh Lam sẽ ghi nhận, tổng hợp ý kiến đại biểu báo cáo với Quốc hội tại phiên họp tập trung, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV trong tuần tới.
Tin, ảnh: Hồng Yến