Khánh thành tượng kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát

05/05/2009 - 08:29
Tượng KTS Huỳnh Tấn Phát được đặt trang trọng tại ngôi trường mang tên ông (xã Châu Hưng, Bình Đại).

Sau ba tháng thi công, ngày 1- 5- 2009, tượng kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã được khánh thành tại Trường THPT mang tên ông ở xã Châu Hưng (Bình Đại). Đông đảo cán bộ, giáo viên tỉnh, huyện Bình Đại, xã Châu Hưng, học sinh và kỹ sư Huỳnh Vệ Quốc – người con thứ của KTS HTP đã đến dự.

KTS Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15- 2- 1913 tại ấp Tân Hưng, xã Châu Hưng (Bình Đại) là một trí thức yêu nước, nhà cách mạng chân chính được Đảng và Nhà nước bổ nhiệm giữ nhiều chức vụ quan trọng. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, ông là Chủ nhiệm báo Thanh Niên, hoạt động trong phong trào Thanh niên Tiền Phong, truyền bá quốc ngữ, cứu tế nạn đói ở Nam bộ. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông cùng một số trí thức Nam bộ tham gia cướp chính quyền ở Sài Gòn- Chợ Lớn. Năm 1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I Việt Nam dân chủ cộng hòa. Năm 1949,  ông ra chiến khu giữ chức Giám đốc Sở Thông tin Nam bộ, trực tiếp phụ trách Đài Phát thanh tiếng nói Sài Gòn- Chợ Lớn tự do. Năm 1960, ông bí mật thoát ly khỏi Sài Gòn, tham gia mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam giữ chức Phó Chủ tịch kiêm tổng thư ký Ủy ban Trung ương, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban mặt trận Dân tộc giải phóng khu Sài Gòn- Gia Định. Tháng 6 năm 1960, ông được bầu làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sau thống nhất, KTS Huỳnh Tấn Phát được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ  kiêm chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Ông làm Trưởng ban chỉ đạo quy hoạch thủ đô và Chủ nhiệm đồ án thiết kế xây dựng thủ đô Hà Nội và rất nhiều công trình trọng điểm trong cả nước. Ông mất năm 1989 tại TP.HCM.

Tượng KTS Huỳnh Tấn Phát do Trường THPT Huỳnh Tấn Phát làm chủ đầu tư, Công ty TNHH tư vấn kiến trúc ARCO tiến hành khảo sát, thiết kế. Tượng được đặt xây dựng tại sân Trường THPT Huỳnh Tấn Phát bằng bê-tông cốt thép ốp đá với diện tích mặt bằng sàn là 27,04m2, chiều cao tượng là 4,05m (phần chân đài  0,65m, thân đài 2,2 m, phần tượng 1,2m) với tổng kinh phí xây dựng 99,221 triệu đồng từ quỹ vận động (trong đó, cựu học sinh trường tại thành phố HCM đóng góp hơn 56 triệu đồng).            

Tin, ảnh: A.Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích