Khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết đất bị lấn chiếm

23/08/2020 - 20:05

Ông Nguyễn Văn Soi (Châu Thành) có nhu cầu tư vấn: Đất ruộng tôi được cấp sổ đỏ năm 2010, có diện tích 3.600m2 liền ranh với đất của ông A. Thỉnh thoảng, tôi và ông A xảy ra tranh chấp ranh đất nhưng không có yêu cầu chính quyền địa phương giải quyết. Cuối tháng 6-2020, có dịp trích lục hồ sơ đất, tôi phát hiện ông A đã được cấp sổ đỏ vào năm 2016 “lấn” qua đất của tôi 110m2.

Xin hỏi: Tôi có khởi kiện để đòi lại đất đã bị mất hay không? Tôi phải làm sao?

Thắc mắc của ông được luật sư Võ Tấn Thành (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Khoản 1, Điều 175 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp. Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng; mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung”.

Như ông trình bày, diện tích 3.600m2 đất ruộng của ông được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) năm 2010 liền kề với thửa đất của ông A (được cấp GCNQSDĐ năm 2016). Giữa hai bên thỉnh thoảng xảy ra tranh chấp, nhưng không có yêu cầu chính quyền địa phương giải quyết.

Nay, trên cơ sở trích lục họa đồ địa chính (hồ sơ) thửa đất, ông biết được phần đất của ông bị ông A chiếm diện tích 110m2, thì ông có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết để ông A trả lại cho ông phần diện tích đất nói trên, nếu ông có đủ căn cứ pháp lý.

Về thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai, theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 thì Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải ở cơ sở. Nếu các bên tranh chấp đất không thể tự hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã (nơi có đất tranh chấp) để hòa giải. Chủ tịch UBND xã có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam xã và các tổ chức thành viên để tổ chức hòa giải; thời gian hòa giải tranh chấp được thực hiện không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp. Biên bản hòa giải phải có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của UBND xã và được gửi đến các bên tranh chấp.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai đối với trường hợp tranh chấp đất đã được hòa giải tại UBND xã không thành, nếu đương sự có GCNQSDĐ hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết.

Trường hợp của ông tranh chấp quyền sử dụng đất (ranh đất) với ông A, ông có thể làm đơn yêu cầu UBND xã (nơi có đất tranh chấp) hòa giải. Nếu hòa giải không thành thì ông có quyền làm đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện (nơi có đất tranh chấp) để yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN