Kiến nghị mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý

26/09/2023 - 05:22

BDK.VN - UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp và UBND các huyện có đặt chi nhánh phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc bố trí trụ sở các chi nhánh trợ giúp pháp lý (TGPL) ở các vị trí thuận tiện để người dân trên địa bàn các huyện đến tìm hiểu thông tin và dễ liên hệ yêu cầu TGPL.

Trợ giúp viên dự buổi tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác trợ giúp pháp lý

Trợ giúp viên dự buổi tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác trợ giúp pháp lý.

Cụ thể, chi nhánh TGPL được đặt tại các huyện cách xa trung tâm tỉnh, nhằm thuận tiện cho người dân trong việc đi lại, gồm: chi nhánh số 1 tại huyện Ba Tri, chi nhánh số 2 tại huyện Thạnh Phú, chi nhánh số 3 tại huyện Bình Đại và chi nhánh số 4 tại huyện Chợ Lách. Theo đánh giá của UBND tỉnh, qua khảo sát cho thấy 4/4 chi nhánh vẫn hoạt động hiệu quả; vụ việc TGPL tại chi nhánh hàng năm đều nâng lên, chất lượng vụ việc TGPL qua đánh giá đều đạt chất lượng tốt.

Đánh giá những kết quả đạt được, từ khi triển khai Luật TGPL năm 2017, Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15-12-2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi; thông qua hoạt động TGPL là cầu nối để thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho các đối tượng là người nghèo, đối tượng chính sách.

Hoạt động TGPL là cầu nối giúp chính quyền địa phương gần dân, hiểu dân hơn, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, yêu cầu, quyền lợi chính đáng của nhân dân. Đối với các cơ quan tiến hành tố tụng thông qua hoạt động TGPL bảo đảm nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng, góp phần trong quá trình cải cách tư pháp, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, tạo niềm tin trong nhân dân và ổn định tình hình chính trị.

Tại Báo cáo số 546/BC-UBND ngày 19-9-2023 của UBND tỉnh báo cáo kết quả triển khai thực hiện Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15-12-2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, UBND tỉnh đề xuất Bộ Tư pháp kiến nghị các cơ quan thẩm quyền ở Trung ương sửa đổi Luật TGPL và Nghị định 144/2017/NĐ-CP cho phù hợp với yêu cầu từ thực tiễn, cụ thể là mở rộng một số đối tượng được TGPL như: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ, người nhiễm chất độc da cam; người khuyết tật, người cao tuổi, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự;... không buộc phải kèm theo điều kiện có khó khăn về tài chính. Đồng thời, sửa Luật TGPL xác định theo hướng chức danh trợ giúp viên pháp lý với tư cách là một chức danh Tư pháp; đổi tên trợ giúp viên pháp lý thành luật sư TGPL được Nhà nước trả lương để thực hiện nhiệm vụ chính trị của Nhà nước.

Tin, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN