Ông N.V.Q có nhu cầu tư vấn: Tôi có 2.000m2 đất nằm liền kề với đất của ông A. Tôi có đủ điều kiện theo quy định và muốn đo đạc để được cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ). Xin hỏi: Trường hợp của tôi phải làm sao?
Thắc mắc của ông được luật sư Võ Tấn Thành (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Theo quy định tại Điều 70 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ: Khi hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ xin cấp GCN QSDĐ lần đầu thì UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và thực hiện các công việc như sau:
- Xác nhận hiện trạng SDĐ so với nội dung kê khai đăng ký. Nếu không có các giấy tờ theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai và Điều 18 của nghị định này thì xác nhận nguồn gốc đất và thời gian SDĐ; tình trạng tranh chấp đất, sự phù hợp với quy hoạch SDĐ. Trường hợp chưa có bản đồ địa chính thì trước khi thực hiện các công việc trên, UBND cấp xã phải thông báo cho Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) huyện thực hiện việc trích đo địa chính thửa đất hoặc kiểm tra bản trích đo địa chính do người sử dụng đất (NSDĐ) nộp (nếu có).
- Niêm yết công khai kết quả kiểm tra hồ sơ tại trụ sở UBND cấp xã và khu dân cư nơi có đất (trong thời hạn 15 ngày) để xem xét các ý kiến phản ánh về nội dung công khai và gửi hồ sơ đến VPĐKĐĐ.
Trước khi đo đạc vẽ chi tiết, cán bộ đo đạc phải phối hợp với người dẫn đo (có thể là công chức địa chính xã) cùng với NSDĐ liền kề tiến hành xác định ranh giới, mốc giới thửa đất trên thực địa, lập biên bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất để làm căn cứ đo đạc ranh giới thửa đất.
Trường hợp đang có tranh chấp về ranh giới, mốc giới thửa đất thì đơn vị đo đạc báo cáo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi có đất để giải quyết tranh chấp. Trường hợp tranh chấp chưa giải quyết xong mà xác định được ranh giới thực tế đang sử dụng, quản lý, thì đo đạc theo ranh giới đang sử dụng, quản lý đó. Nếu không thể xác định được ranh giới đang sử dụng, quản lý thì được phép đo vẽ khoanh bao các thửa đất tranh chấp. Đơn vị đo đạc có trách nhiệm lập biên bản mô tả thực trạng phần đất tranh chấp, gửi UBND cấp xã giải quyết tranh chấp theo thẩm quyền (quy định tại khoản 1, Điều 11 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT ngày 19-5-2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Đồng thời, lập biên bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất.
Trường hợp NSDĐ, NSDĐ liền kề đều vắng mặt, thì việc lập biên bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất được cán bộ đo đạc các bên liên quan còn lại và cán bộ dẫn đo xác định theo thực địa và hồ sơ thửa đất liên quan (nếu có). Đơn vị đo đạc chuyển bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất đã lập cho UBND cấp xã để xác nhận vắng mặt; đồng thời, thông báo và niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã. Sau 15 ngày kể từ ngày thông báo mà NSDĐ không có mặt và không có khiếu nại, tranh chấp liên quan đến ranh giới, mốc giới thửa đất thì ranh giới thửa đất, được xác định theo bản mô tả đã lập.
Trường hợp sau 10 ngày kể từ ngày nhận được bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất mà NSDĐ liền kề không ký tên xác nhận và không có văn bản khiếu nại, tranh chấp liên quan đến ranh giới thửa đất, thì ranh giới thửa đất được xác định theo bản mô tả được các bên liên quan còn lại. Người dẫn đo đạc ký xác nhận và ghi rõ lý do NSDĐ liền kề đó không ký tên xác nhận (theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT).
Như vậy, không phải tất cả các trường hợp nộp hồ sơ xin cấp GCN QSDĐ đều phải xin ý kiến của các hộ SDĐ liền kề.
H. Trâm (thực hiện)