Làng nghề kềm xã Mỹ Thạnh mai một

22/09/2023 - 10:51

BDK.VN - Làng nghề kềm ở xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm bắt đầu được hình thành vào năm 1980, trên cơ sở mẫu kềm của Đức và Pháp. Ngày 1-4-2008, UBND tỉnh công nhận làng nghề tuyền thống sản xuất kềm xã Mỹ Thạnh. Thế nhưng, làng nghề đã mai một theo thời gian. Hiện số người trụ lại với nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Lao động làm thuê cho ông Thành

Lao động làm thuê cho ông Thành

Ông Kiều Duy Thành, ở ấp Nghĩa Huấn, xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm đã gắn với nghề kềm hơn 25 năm. Nếu so sánh với tuổi đời thì ông đã gần nửa đời người gắn bó với nghề sản xuất kềm. Theo ông Thành, làng nghề kềm Mỹ Thạnh cũng đã trải qua thăng trầm. Thế nhưng, hiện tại thì số người trụ lại với nghề rất khiêm tốn. Ông Thành lướt qua, toàn xã giờ chỉ còn hộ ông và một hộ nữa đăng ký là hộ kinh doanh cá thể nghề kềm.

Số rất ít còn lại chỉ nhận làm gia công một vài công đoạn. Vợ chồng ông Thành thuê thêm 5-6 lao động sản xuất đến công đoạn kềm thô rồi giao cho khách hàng. Trung bình mỗi tháng ông Thành sản xuất 10 ngàn sản phẩm kềm thô, rồi giao cho khách hàng. Người làm thuê cho ông Thành nhận tiền công từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Ông Thành cho biết, người dân làng nghề Mỹ Thạnh làm gia công cho kềm Nghĩa được 20 năm. Đến năm 2017, kềm Nghĩa ngưng gia công. Một số người có tay nghề đến trực tiếp làm thuê cho kềm Nghĩa. Một số người vào làm khi thạo nghề thì tự sản xuất riêng để bán. Cao điểm sản phẩm làm ra nhiều nhưng thị trường tiêu thụ thì không mở rộng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến số người bỏ nghề kềm ngày một nhiều và làng nghề rơi vào mai một.

Ông Thành bộc bạch: "Tôi rất muốn sản xuất các công đoạn để hoàn thiện sản phẩm bán ra thị trường. Nhưng lo ngại thứ nhất, vốn đầu tư thiết bị máy móc sản xuất đến khâu kềm thô chỉ một phần. Nếu đầu tư đến công đoạn cuối phải cần 2/3 vốn nữa. Thứ hai, quan tâm nhất là thị trường tiêu thụ. Vì thế, mà gia đình tôi chỉ tham gia sản xuất kềm thô rồi bán ra thị trường".

Ông Thành cho rằng, trước mắt gia đình ông quan tâm sản xuất kềm thô nhưng chất lượng. Sản phẩm đạt chất lượng thì khách hàng tìm đến ngày càng nhiều. Rồi từng bước mở rộng quy mô sản xuất.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thạnh Đoàn Phương Tùng, lãnh đạo xã rất muốn khôi phục lại làng nghề. Nhưng khó khăn đặt ra là tìm doanh nghiệp đầu tư. Chỉ khi doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ ổn định, mới tập hợp người dân có tay nghề tham gia sản xuất, mới vực dậy làng nghề truyền thồng. Nếu để từng người dân tự bơi như hiện nay thì số người trụ lại với nghề kềm ở xã sẽ mai một dần. Đây cũng là trăn trở của địa phương nhưng “lực bất tòng tâm”.

Bài, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN