
Học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Bến Tre) tìm hiểu các tác phẩm của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.
Giáo dục đạo làm con
Qua chương trình giảng dạy tại các trường THPT, thơ Lục Vân Tiên giáo dục đạo làm con. Nhân vật Vân Tiên trong tác phẩm thơ Lục Vân Tiên ví như là cụ Đồ Chiểu, sự hiếu thảo với mẹ, lo cho mẹ. Theo ông Đỗ Văn Công - Chi hội Di sản văn hóa chia sẻ: “Dựa trên dữ liệu sưu khảo gia phả ngoài Trung, trong Nam, đồng thời trao đổi với các bậc cao niên, hậu duệ Nguyễn Đình Chiểu, chúng ta rút ra được bài học về lòng hiếu thảo của Nguyễn Đình Chiểu đối với cha mẹ là siêu cao vời vợi”.
Trong truyện thơ Lục Vân Tiên của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, hình tượng nhân vật đại diện cho đạo hiếu là Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga. Với Lục Vân Tiên, khi hay tin mẹ mất, vì thương yêu mẹ hết mực, ông đã: “Hai hàng lụy ngọc ròng ròng/ Tưởng bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu/ Cánh buồm bao quản gió xiêu/ Ngàn trùng biển rộng chín chiều ruột đau/ Thương thay chín chữ cù lao/ Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình”. Cũng chính vì chữ hiếu, Lục Vân Tiên đã quyết định không tham gia cuộc thi để quay về quê nhà chịu tang mẹ. Trên đường đi, vì quá thương nhớ mẹ mà ông khóc, kiệt sức và ngã bệnh đến mù cả đôi mắt. Mẹ mất là nỗi ưu buồn trong tâm cang của cụ nên khi về đến Gia Định cụ phải đóng cửa chịu tang mẹ.
Th.S Lê Thị Vương Nguyệt - giảng viên Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Trong thời phong kiến, khoảng cách thời gian giữa các khóa thi trạng là vài ba năm. Việc đi lại để tham gia cuộc thi cũng không phải là điều dễ dàng. Với người nam giới thời phong kiến theo tư tưởng Nho gia, việc thi đỗ, làm quan được xem là một trong những chuẩn mực cao nhất cho sự thành công. Đặt quyết định hủy tham gia cuộc thi để về chịu tang mẹ trong bối cảnh chế độ khoa cử thời đó mới thấy được rằng Lục Vân Tiên chính là hình tượng tiêu biểu và cao cả nhất cho đạo hiếu của tư tưởng Nho gia.
Giá trị cốt lõi của mọi thời đại
Theo Th.S Lê Thị Vương Nguyệt, tư tưởng Nho giáo được Nguyễn Đình Chiểu chuyển tải trong truyện thơ Lục Vân Tiên là sản phẩm của xã hội phong kiến ở Việt Nam vào thế kỷ XIX. Do đó, không phải toàn bộ những tư tưởng đó còn phù hợp với xã hội đương đại. Tuy nhiên, xét từ nhiều phương diện khác, một số tư tưởng vẫn còn giá trị trong đời sống xã hội hiện nay. Điển hình như tư tưởng về chữ “hiếu”. Đây rõ ràng là một trong những giá trị cốt lõi, căn bản của con người. Tư tưởng này không chỉ có trong hệ thống triết lý Nho giáo, mà nó còn xuất hiện từ rất lâu trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam ngay cả trước khi Nho giáo xuất hiện. Trong kho tàng truyện cổ dân gian Việt Nam có nhiều câu chuyện về đạo hiếu là minh chứng.
Một tư tưởng Nho giáo khác trong truyện Lục Vân Tiên cũng cần được phát huy sống động hơn trong xã hội ngày nay là “trung”, “nhân”, và “quân tử”. Ngày nay, xã hội vẫn còn rất nhiều người hành hiệp trượng nghĩa và tất nhiên vẫn còn rất nhiều người sẵn sàng cứu giúp người khác khi họ gặp khó khăn. Điều này được thể hiện qua rất nhiều quỹ từ thiện được thành lập với số tiền đóng góp nhiều tỷ đồng.
Gần đây dịch bệnh diễn biến phức tạp, rất nhiều người đã sẵn sàng bỏ công sức, tiền của ra để giúp người, giúp đời. Đạo làm người, sự hào hiệp, nhân nghĩa của mỗi con người không chỉ cần tồn tại trong xã hội phong kiến, mà bất kỳ xã hội nào cũng vô cùng cần thiết. “Trong đời sống xã hội ngày nay, khi mà nhiều giá trị nhân bản của con người có dấu hiệu suy đồi, mai một, thì việc đề cao đạo hiếu được thể hiện trong truyện thơ Lục Vân Tiên cũng là điều nên làm”, Th.S Lê Thị Vương Nguyệt bày tỏ.
Sức hấp dẫn của thơ văn, triết lý của Nguyễn Đình Chiểu đến nay vẫn nguyên vẹn bởi giá trị giáo dục sâu sắc. Nhân cách của Nguyễn Đình Chiểu có ảnh hưởng rất lớn đối với vùng đất Bến Tre. Hàng năm, nhân dịp Ngày hội truyền thống Văn hóa của tỉnh 1-7, các ngành và tổ chức đoàn thể tổ chức nói thơ Lục Vân Tiên, thi nói thơ Lục Vân Tiên, sáng tác kịch bản, hài kịch, thi thuyết trình từng hồi của tác phẩm Lục Vân Tiên. Đồng thời, tổ chức tham quan thực tế di tích liên quan Nguyễn Đình Chiểu để tuyên truyền cuộc đời và sự nghiệp nhà thơ, đặc biệt là sự hiếu thảo của cụ. Hoạt động tạo ra môi trường cảm thụ một cách hấp dẫn, hiệu quả trong sự nghiệp trồng người. Đây cũng như thông điệp khuyên nhủ, giáo dục các thế hệ thanh thiếu niên ngày nay về truyền thống, đạo làm người, làm con cháu trong gia đình, sự hiếu thảo, hiếu học, cầu tiến, vì sự phát triển bền vững của đất nước Việt Nam.
Bài, ảnh: Phan Hân