Ông Hà Văn Một có nhu cầu tư vấn: Tháng 3-2022, tôi mua 200m2 đất của ông A với giá 800 triệu đồng và đã trả trước cho ông 500 triệu đồng; còn lại 300 triệu đồng hẹn khi nào tôi nhận sổ đỏ sẽ trả hết. Tôi đã làm thủ tục chuyển nhượng, đo đạc, đóng thuế xong và chờ nhận sổ đỏ thì ông B tranh chấp, đòi 60m2 đất của ông A (nằm trong diện tích 200m2 tôi đã mua). Xin hỏi: Trường hợp của tôi phải làm sao? Trước đó, ông A có nói với tôi là đất không có tranh chấp.
Thắc mắc của ông được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Theo quy định tại khoản 24, Điều 3 Luật Đất đai năm 2013: “Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”. Theo thông tin ông cho biết, trường hợp của ông là một dạng tranh chấp do mua nhầm đất có tranh chấp khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ), liên quan đến QSDĐ theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 5-5-2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Do có phát sinh tranh chấp của ông B, nên hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp giấy chứng nhận QSDĐ của ông có thể bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ chối tiếp nhận theo quy định tại khoản 11 Điều 7 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện khi đất không còn tranh chấp giữa các bên liên quan theo quy định của pháp luật.
Do vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình: đòi lại số tiền ông đã trả trước cho ông A và các chi phí khác (nếu có) hoặc yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ký kết giữa ông và ông A, thì ông có quyền chọn một trong 2 cách giải quyết, như sau: 1. Thương lượng, hòa giải: Do ông và ông A tự đàm phán, thỏa thuận giải quyết. 2. Khởi kiện: Giải quyết tranh chấp tại tòa án bằng vụ kiện dân sự về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa ông với ông A.
Trên thực tế thì thủ tục, hồ sơ khởi kiện vụ án dân sự là khá phức tạp, nhưng là cách thức giải quyết phổ biến và có hiệu quả nhất.
Để khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết, ông cần chuẩn bị một bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 189, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015), gồm có: đơn khởi kiện (theo mẫu quy định); giấy tờ pháp lý của người khởi kiện (như giấy chứng minh hoặc công cước công dân và hộ khẩu thường trú có chứng thực); giấy tờ pháp lý của người bị kiện và người có quyền, nghĩa vụ liên quan (nếu có), như về nơi cư trú, nơi làm việc và thông tin khác liên quan; tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm và yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ như hồ sơ đất, hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ (có công chứng, chứng thực), hợp đồng đặt cọc tiền mua đất, hồ sơ đo đạc, hồ sơ nộp thuế chuyển nhượng và các giấy tờ liên quan khác…
Về nộp đơn khởi kiện, theo quy định tại khoản 1, Điều 35; khoản 1, Điều 39 - BLTTDS, người khởi kiện nộp đơn khởi kiện tại tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc hoặc nơi có phần đất tranh chấp. Ông có thể đến nộp đơn trực tiếp tại tòa án hoặc gửi đến tòa án qua dịch vụ bưu chính.
Ngoài ra, đối với trường hợp người sử dụng đất cố tình vi pham, bằng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác, còn có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
H. Trâm (thực hiện)