BDK - Ngày Đái tháo đường thế giới 2024, với chủ đề “Trao quyền cho sức khỏe toàn cầu”, nhằm cung cấp một nền tảng cho tất cả mọi người, từ các chuyên gia y tế đến công chúng nói chung để học hỏi, chia sẻ và hành động. Với chủ đề năm nay, IDF và WHO không chỉ tập trung vào sức khỏe cá nhân mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của các cộng đồng cùng nhau hợp tác để chống lại vấn đề toàn cầu - hậu quả của bệnh tiểu đường không được kiểm soát.
Thường xuyên thăm khám để chủ động phòng bệnh đái tháo đường.
Ngày Đái tháo đường thế giới được thành lập bởi Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ngày này được khởi xướng tổ chức lần đầu tiên vào 14-11-1991. Từ đó, hàng năm, IDF và WHO lấy ngày 14-11 hưởng ứng ngày đái tháo đường thế giới, nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về đái tháo đường, các biến chứng. Ngày Đái tháo đường thế giới còn đánh dấu ngày sinh của Sir Frederick Banting - thiên tài đằng sau việc phát hiện ra insulin vào năm 1921 cùng với Charles Best. Đó một phương pháp điều trị cứu sống bệnh nhân đái tháo đường vào năm 1922.
Theo Trưởng khoa Truyền thông sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nguyễn Văn Giàu, bệnh đái tháo đường là tình trạng rối loạn chuyển hóa mạn tính, do cơ thể không sản sinh được insulin hoặc không sử dụng được insulin để hấp thụ glucose máu dẫn đến đường trong máu cao hơn mức bình thường. Tăng glucose máu mạn tính trong đái tháo đường sẽ gây tổn thương, rối loạn chức năng hay suy nhược cơ quan. Đái tháo đường có các dạng: đái tháo đường tuýp 1, đái tháo đường tuýp 2 và đái tháo đường thai kỳ.
Ở Việt Nam, số người bị tiền đái tháo đường cao hơn gấp 3 lần so với số người đã mắc bệnh. Theo ước tính hiện nay có khoảng 4% dân số bị đái tháo đường, trong đó 70% không biết mình mắc bệnh cho tới khi xuất hiện các biến chứng nặng trên tim, mắt, thận, thần kinh... Các triệu chứng của đường huyết cao, gồm: Ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và sụt cân nhiều. Nếu bệnh đái tháo đường không được chữa trị, có thể gây ra nhiều biến chứng như: Hạ đường huyết, hôn mê nhiễm toan ceton, thậm chí tử vong, bệnh tim mạch, đột quỵ, suy thận mạn tính, loét chân, bệnh lý võng mạc...
Theo WHO, trên thế giới cứ 11 người trưởng thành có 1 người mắc đái tháo đường, trong đó 46,5% người bệnh chưa được chẩn đoán. Dự tính đến năm 2040, cứ 10 người lớn có 1 người mắc bệnh. 3/4 người mắc đái tháo đường ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Cứ 6 giây có 1 người chết vì bệnh đái tháo đường. Chi phí y tế được sử dụng cho quản lý đái tháo đường chiếm 12% trên tổng chi phí y tế toàn cầu. Phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ sẽ có nguy cơ sinh con mắc bệnh hoặc các biến chứng khác của đái tháo đường. Cứ 7 đứa trẻ sinh ra thì có một trẻ bị ảnh hưởng bởi đái tháo đường thai kỳ và có khoảng 542 ngàn đứa trẻ mắc bệnh.
Để phòng ngừa bệnh đái tháo đường, mỗi người dân hãy tìm đến bác sĩ hoặc các cơ sở y tế gần nhất để tầm soát bệnh qua kiểm tra đường huyết. Nếu không may mắc bệnh thì hãy tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ. WHO gửi thông điệp đơn giản để phòng ngừa bệnh đái tháo đường đó là: Không hút thuốc lá; ăn nhạt, nhiều rau xanh, đủ lượng kali, nhiều cá, ít mỡ động vật; hạn chế uống cà phê, bia rượu hoặc các đồ uống có cồn; duy trì cân nặng chuẩn BMI; rèn luyện thể lực mức độ trung bình (30 phút mỗi ngày như: đi bộ nhanh, đi xe đạp, chạy, chơi bóng bàn, bơi, khiêu vũ...).