Nghĩa vụ thanh toán tiền của người mua hàng

13/06/2021 - 19:11

Bà Nguyễn Thị Á có nhu cầu tư vấn: Con trai tôi (25 tuổi) tên Tân, làm nghề phụ hồ. Tháng 10-2020, Tân mua xe máy hiệu Wave giá 20 triệu đồng, đã trả trước được 5 triệu đồng, còn lại 15 triệu đồng sẽ trả trong 10 tháng cùng với lãi suất 1%/tháng. Tân sử dụng xe và đã trả tiếp cho cửa hàng được 3 triệu đồng cùng với lãi. Đầu năm 2021, Tân tự té xe và bị gãy chân, không thể đi làm phụ hồ được nữa. Tân cũng không có tiền trả cho cửa hàng. Chiếc xe bị hư hỏng nên bán chỉ được 5 triệu để lo thuốc thang. Xin hỏi: Con tôi không có tiền trả cho cửa hàng 12 triệu đồng tiền nợ gốc và lãi, vậy có bị xử lý gì không?

Thắc mắc của bà được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Như thông tin bà cung cấp, anh Tân (bên mua) và cửa hàng bán xe máy (bên bán) đã xác lập một hợp đồng mua bán tài sản theo hình thức bên mua được trả chậm, trả dần (hay thường gọi là trả góp).

Điều 453 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định như sau: Các bên có thể thỏa thuận về việc bên mua trả chậm hoặc trả dần tiền mua trong một thời hạn sau khi nhận tài sản mua.

Mặt khác, Điều 440 BLDS quy định về nghĩa vụ trả tiền như sau: Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền theo thời hạn, địa điểm và mức tiền được quy định trong hợp đồng. Trường hợp các bên chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản thì thời hạn thanh toán tiền cũng được xác định tương ứng với thời hạn giao tài sản. Nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản và thời hạn thanh toán tiền thì bên mua phải thanh toán tiền tại thời điểm nhận tài sản. Trường hợp bên mua không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền thì phải trả lãi trên số tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357 của bộ luật này (quy định về trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền). 

Căn cứ quy định của điều luật, thì anh Tân có quyền sử dụng chiếc xe máy và phải có nghĩa vụ trả tiền (trả góp) số tiền anh còn nợ lại bên bán là 15 triệu đồng và số tiền lãi phát sinh (1%/tháng) trong thời hạn 10 tháng. Tuy nhiên, anh Tân đã  trả cho cửa hàng được 2 tháng là 3 triệu đồng (cùng với tiền lãi). Như vậy, anh còn phải trả cho bên bán số tiền còn lại là 12 triệu đồng và tiền lãi phát sinh, tính từ tháng 1-2021. Mặt khác, do chưa thanh toán hết số tiền nợ này cho bên bán, nên chiếc xe máy mà anh Tân sử dụng vẫn thuộc quyền sở hữu của bên bán.

Theo bà trình bày thì từ đầu năm 2021 đến nay, anh Tân không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền như ký kết trong hợp đồng (không phải do lỗi của bên bán xe máy). Anh cũng đã tự ý sang bán xe, nên đây thuộc trường hợp vi phạm nghĩa vụ trả tiền, vi phạm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng đã ký kết. Do vậy, tùy tính chất, mức độ của hành vi, tính trung thực và hoàn cảnh cụ thể, bên mua có thể sẽ phải chịu những chế tài theo quy định của pháp luật.

Có 2 hình thức chế tài, xử lý như sau:

- Thứ nhất, liên quan đến trách nhiệm dân sự. Trường hợp anh Tân đang gặp khó khăn và không có khả năng thanh toán, thì anh có thể thỏa thuận với bên bán để gia hạn thời hạn “trả góp” và cam kết trả đủ tiền nợ gốc cùng số tiền lãi phát sinh do chậm trả, kèm theo chứng cứ chứng minh về hoàn cảnh khó khăn của mình.

Nếu như anh Tân tiếp tục không thực hiện nghĩa vụ trả tiền, nhưng không có lý do chính đáng, không có thỏa thuận khác, thì bên bán xe máy có quyền kiện anh Tân ra tòa án có thẩm quyền để thu hồi số tiền gốc và lãi do anh chậm trả theo quy định của pháp luật dân sự.

- Thứ hai, liên quan đến trách nhiệm hình sự. Nếu như bên bán có căn cứ để xác định anh Tân có dấu hiệu gian dối, bỏ trốn, để chiếm đoạt tài sản hoặc có điều kiện trả tiền nhưng cố tình không trả, bên bán có quyền trình báo đến cơ quan c ông an có thẩm quyền và trong trường hợp này, anh Tân có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN