Ông Nguyễn Văn Chu có nhu cầu tư vấn: Tuấn và Phong (cháu tôi) cùng nhậu chung thì xảy ra cự cãi. Tuấn xô Phong té ngã sấp xuống đường làm chảy máu mũi. Tuấn bỏ lại xe mô tô bên lề đường rồi đi vào nhà người bạn ở gần đó. Phong ngồi dậy lấy khúc cây bên đường đập phá xe mô tô của Tuấn làm hư nhiều chỗ (sửa chữa 8,5 triệu đồng). Tuấn yêu cầu Phong phải bồi thường nhưng Phong không đồng ý và cho rằng Tuấn có lỗi vì đã xô té mình. Tuấn yêu cầu công an xử lý Phong việc đập phá làm hư xe. Xin hỏi: Phong có phải bồi thường toàn bộ tiền sửa xe 8,5 triệu đồng cho Tuấn không. Trường hợp của Phong, có bị xử phạt hành chính hay xử lý hình sự không?
Thắc mắc của ông được luật sư Lê Vũ Hồng Huệ (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Theo Điều 589 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thiệt hại do tài sản bị xâm phạm được quy định cụ thể như sau: tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; thiệt hại khác do luật quy định.
Mặt khác, Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản:
“1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
…”
Về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường, Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
…”.
Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8-7-2006 thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau: phải có thiệt hại xảy ra (gồm thiệt hại về vật chất và tổn thất tinh thần). Phải có hành vi trái pháp luật của người gây thiệt hại. Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.
Theo lời trình bày của ông thì trước khi ông Phong (cháu ông) lấy khúc cây đập phá xe mô tô của Tuấn làm hư nhiều chỗ, sửa chữa với số tiền là 8,5 triệu đồng. Như vậy, thực tế đã có thiệt hại xảy ra. Do vậy, ông Tuấn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm tại tòa án (tòa án nơi xảy ra sự việc trên hay tòa án nơi ông Phong cư trú). Sau khi thụ lý, tòa án sẽ xem xét các yếu tố như: hành vi trái pháp luật của ông Phong, lỗi của ông Phong, đã dẫn đến thiệt hại về tài sản cho ông Tuấn... để xử lý.
Mặt khác, ông Tuấn cũng có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan cảnh sát điều tra (nơi xảy ra sự việc), yêu cầu xử lý việc ông Phong đập phá làm hư xe và về bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, việc ông Phong có bị xử phạt hành chính hay xử lý hình sự không thì còn tùy thuộc vào nhiều tình tiết sự việc xảy ra tại hiện trường. Trường hợp ông Phong bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì hành vi của ông phải đủ yếu tố cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự.
Pháp luật quy định một hành vi không bị xử lý hai lần. Do vậy, ông Tuấn chỉ được chọn một trong hai cơ quan (tòa án hoặc công an) giải quyết vụ việc của ông.
H.Trâm (thực hiện)