Bà Nguyễn Thị Mỹ có nhu cầu tư vấn: Là chỗ quen biết với bà A, tôi cho bà mượn tiền (lãi suất thấp) và bà đều trả đủ. Đầu tháng 9-2020 đến giữa tháng 10-2020, bà A nhiều lần mượn tiền, vàng của tôi tổng giá trị 640 triệu đồng (có biên nhận viết tay), hẹn đến cuối tháng 10-2020 trả hết nhưng không trả. Tôi nhiều lần đòi nhưng bà A cứ hứa hẹn và cố tình tránh mặt. Xin hỏi: Tôi phải làm sao để đòi lại tài sản. Bà A có bị xử lý hình sự hay không?
Thắc mắc của bà được luật sư Võ Tấn Thành (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Theo trình bày của bà thì việc vay mượn tiền, vàng giữa bà với bà A là sự thỏa thuận tự nguyện giữa hai bên và có biên nhận viết tay. Đây là một hợp đồng (HĐ) vay tài sản.
Điều 463 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: HĐ vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó, bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Mặt khác, Điều 466 Bộ luật Dân sự quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay:
“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại Khoản 2 Điều 468 của bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong HĐ tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại Khoản 2 Điều 468 của bộ luật này.
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo HĐ tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Theo thỏa thuận trong HĐ thì đến cuối tháng 10-2020, bà A có nghĩa vụ phải trả đủ số tài sản đã vay mượn của bà là 640 triệu đồng, nhưng bà A nhiều lần hứa hẹn và cố tình tránh mặt. Như vậy, bà A đã vi phạm HĐ ký kết với bà. Để đòi lại số tài sản trên, bà phải có đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện (nơi bà A cư trú) để yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà A có nghĩa vụ trả lại đủ số tài sản đã vay mượn.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Việc bà A vay tài sản của bà là giao dịch dân sự giữa 2 bên được thể hiện bằng HĐ vay tài sản. Bà A đã nhiều lần hứa trả nợ nhưng không trả và cố tình tránh mặt thì bà A chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự theo HĐ đã ký kết, không phải bị xử lý về hình sự.
H.Trâm (thực hiện)