Người giám hộ đương nhiên của người bệnh tâm thần

17/04/2022 - 17:59

Bà Nguyễn Thị Thúy có nhu cầu tư vấn: Cha mẹ tôi đã qua đời. Chúng tôi có 4 chị em (3 gái, 1 trai), trong đó có người trai em út bị bệnh tâm thần nhẹ. Tôi là chị kế út sống với cha mẹ và em út từ lúc còn nhỏ, 2 chị lớn đều có gia đình ở xa.

Xin hỏi, pháp luật quy định như thế nào về người giám hộ đương nhiên của người bị bệnh tâm thần. Người giám hộ có quyền gì?

Thắc mắc của bà được luật sư Võ Tấn Thành (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 53 Bộ luật Dân sự (BLDS) thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:

1. Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ, nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.

2. Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.

3. Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ đương nhiên.

Trường hợp của bà, người em út bị bệnh tâm thần nhưng cha và mẹ mất sớm nên không có ai là người làm người giám hộ đương nhiên cho người này. Điều 54 của BLDS quy định về việc cử, chỉ định người giám hộ như sau:

1. Trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người có giám hộ đương nhiên theo quy định tại Điều 52 và Điều 53 của Bộ luật này thì UBND cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ.

Trường hợp có tranh chấp giữa những người giám hộ quy định tại Điều 52 và Điều 53 của Bộ luật này về người giám hộ hoặc tranh chấp về việc cử người giám hộ thì Tòa án chỉ định người giám hộ.

2. Việc cử người giám hộ phải được sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ.

3. Việc cử người giám hộ phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do cử người giám hộ, quyền nghĩa vụ cụ thể của người giám hộ, tình trạng tài sản của người được giám hộ.

Về quyền của người giám hộ, theo quy định tại khoản 1, Điều 58 BLDS, người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự có các quyền sau đây:

a) Sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi cùng cho những như cầu thiết yếu của người được giám hộ.

b) Được thanh toán các chi phí hợp lý cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ.

c) Đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN