Người quản lý di sản thừa kế của người bệnh tâm thần

26/05/2024 - 20:13

Ông N.V.H có nhu cầu tư vấn: Cha tôi có 3 người con, ông bà chết đã lâu và không để lại di chúc. Lúc sinh thời cha mẹ tôi có 6.000m2 đất vườn và 300m2 đất thổ cư; ông bà đã cho em gái tôi 3.000m2 đất để ra riêng. Tôi là con cả trong gia đình, đang ở nhà thờ của cha mẹ để lại và nuôi đứa em út bệnh tâm thần. Em gái kế tôi hiện đã có gia đình và ở riêng. Xin hỏi: Di sản thừa kế của cha mẹ tôi để lại sẽ được phân chia như thế nào? Đứa em út tôi bệnh tâm thần có được hưởng thừa kế không, nếu có, thì ai là người quản lý?

Thắc mắc của ông được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Điều 613 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định về người thừa kế: Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Mặt khác, khoản 1 Điều 621 BLDS quy định những trường hợp không được hưởng thừa kế gồm: Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó; người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng…

Theo các quy định trên, thì dù người em út của ông bị bệnh tâm thần nhưng vẫn được quyền hưởng di sản thừa kế của cha mẹ ông để lại.

Do cha mẹ ông chết không để lại di chúc, nếu ông bà nội, ngoại của ông cũng đã chết thì phần di sản còn lại của cha mẹ ông (sau khi đã cho người em gái ông) sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Ông và người em út (bị bệnh tâm thần) thuộc hàng thừa kế thứ nhất, phần di sản thừa kế này sẽ được chia làm 2 phần bằng nhau, ông và người em út mỗi người được nhận một phần bằng nhau theo quy định tại Điều 651 BLDS. Tuy nhiên, do người em út của ông bị bệnh tâm thần, nên mọi giao dịch dân sự của người này phải do người giám hộ xác lập, thực hiện.

Theo quy định tại Điều 49 BLDS, cá nhân có đủ điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác; không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.

Trường hợp người em út của ông không có người giám hộ đương nhiên, do ông và em gái ông là ruột thịt, nên có thể thỏa thuận để cử ra một người giám hộ cho em út. Nếu phù hợp với quy định tại Điều 49 BLDS nêu trên, thì ông hoàn toàn có thể trở thành người giám hộ của em út ông. Khi ông là người giám hộ của em ông, thì ông phải có nghĩa vụ chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh cho người được giám hộ và thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quy định pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

Về thủ tục đăng ký giám hộ: Việc giám hộ phải được đăng ký tại UBND cấp xã nơi cư trú của ông và em út ông. Người đăng ký giám hộ phải nộp tờ khai đăng ký giám hộ cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy đủ điều kiện theo quy định pháp luật thì công chức Tư pháp - Hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch và cùng người đi đăng ký giám hộ ký vào Sổ hộ tịch, báo cáo chủ tịch UBND cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

H. Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN