Chị Nguyễn Phượng Hòa có nhu cầu tư vấn: Trước đây, cha mẹ tôi có khởi kiện yêu cầu chia tài sản thừa kế của ông bà nội tôi để lại, do thời hiệu thừa kế không còn nên tòa án không thụ lý đơn khởi kiện của cha mẹ chúng tôi.
Đến nay, pháp luật có quy định mới về thời hiệu khởi kiện yêu cầu phân chia di sản thừa kế, nên cha mẹ tôi đã khởi kiện lại. Vụ kiện được tòa án thụ lý giải quyết. Tòa án đã mời hòa giải 2 lần và đang trong thời gian chờ đo đạc, thẩm định giá. Tuy nhiên, sức khỏe của cha mẹ tôi rất yếu, anh chị em chúng tôi sợ rằng ông bà không sống nổi để theo đuổi vụ kiện này.
Xin hỏi: Nếu chẳng may cha mẹ chúng tôi qua đời trước khi kết thúc vụ kiện, thì chúng tôi có được đi kiện tiếp hay không? Nếu được, thủ tục như thế nào để được tòa án chấp nhận cho chúng tôi tham gia tố tụng?
Trường hợp trong anh em chúng tôi có người không đồng ý với ý kiến cha mẹ tôi (không đồng ý phân chia tài sản của ông bà nội để lại) thì chúng tôi phải làm sao?
Thắc mắc của chị được Luật sư Nguyễn Văn Tặng trả lời như sau:
- Khoản 1 Điều 74 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng”.
Theo điều luật này, nếu cha mẹ chị chết trước khi vụ kiện yêu cầu phân chia tài sản thừa kế được giải quyết xong thì anh, chị, em của chị là những người thừa kế của cha mẹ chị và có quyền tham gia tố tụng để tiếp tục giải quyết vụ kiện. Trường hợp này thì tất cả các anh chị em sẽ tham gia tố tụng hoặc có thể ủy quyền cho một người đại diện tham gia tố tụng.
Trường hợp trong số anh em của chị có người không đồng ý với việc cha mẹ chị yêu cầu phân chia tài sản thừa kế này thì chị phải cung cấp cho tòa án biết tên họ, địa chỉ của tất cả các anh, chị, em của chị để tòa án lấy lời khai, ghi nhận ý kiến của từng người một. Nếu ai tiếp tục yêu cầu giải quyết thì tham gia tố tụng; nếu ai không yêu cầu tiếp tục khởi kiện thì không tham gia tố tụng; nếu ai có ý kiến khác với ý kiến của cha mẹ chị thì tòa án sẽ ghi nhận và xét xử luôn trong quá trình giải quyết vụ án hoặc sẽ tách thành vụ kiện khác sau khi xét xử vụ kiện này.
Trường hợp cha mẹ chị quá già yếu nhưng vẫn còn minh mẫn, nếu cha mẹ chị muốn giao trách nhiệm tham gia tố tụng cho một người nào đó trong các anh, em của chị thì ông bà có thể lập di chúc để giao trách nhiệm này theo ý muốn của ông bà; kể cả việc giao tài sản hình thành trong tương lai để người đó (người được di chúc) định đoạt theo ý kiến của ông bà.
Trong trường hợp này, không nên lập giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền, vì nội dung ủy quyền chỉ có giá trị pháp lý khi người ủy quyền còn sống.
H.Trâm (thực hiện)