Những điều cán bộ, công chức không được làm được quy định trong Luật Phòng chống tham nhũng

18/09/2019 - 08:04

BDK - Là những người giữ vai trò là công bộc của nhân dân, cán bộ, công chức, nhất là những người có chức vụ, quyền hạn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về những công việc không được làm. Theo Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) 2018, có hiệu lực từ ngày 1-7-2019, quy định 11 nhóm công việc tuyệt đối không được làm đối với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Theo Điều 3, Luật PCTN, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm:

a) Cán bộ, công chức, viên chức;

b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

c) Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN);

d) Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong DN, tổ chức;

đ) Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 20, những đối tượng nêu trên bị cấm làm 11 nhóm công việc sau đây:

1. Nhũng nhiễu trong giải quyết công việc;

2. Thành lập, tham gia quản lý, điều hành DN tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác;

3. Tư vấn cho DN, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết;

4. Thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành DN tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ;

5. Sử dụng trái phép thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

6. Những việc khác mà người có chức vụ, quyền hạn không được làm theo quy định của Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật DN và luật khác có liên quan.

7. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

8. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước không được góp vốn vào DN hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.

Đặc biệt, người là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và người giữ chức danh, chức vụ quản lý khác trong DN nhà nước còn không được thực hiện các công việc sau.

9. Không được ký kết hợp đồng với DN thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột;

10. Không được cho phép DN thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của DN mình;

11. Không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong DN hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho DN.

Để hạn chế và ngăn chặn phát sinh hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức, ngoài công tác truyền thông giáo dục thì một số các giải pháp sau đây cũng được xem là cần thiết đối với các cơ quan nhà nước hiện nay: 

- Minh bạch hóa quá trình soạn thảo, trình, ban hành chính sách, pháp luật; quá trình chuẩn bị, trình, ban hành quyết định, văn bản hành chính gắn liền với việc cải cách thủ tục hành chính.

- Thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng; quy định cụ thể, rành mạch chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cấp quản lý, khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống trong hoạt động quản lý.

- Hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc các quy định về tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; xử lý kiên quyết, kịp thời các vi phạm trong quản lý và sử dụng cán bộ, công chức;

- Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện cơ chế về trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; cơ chế miễn nhiệm, bãi nhiệm, cho từ chức, tạm đình chỉ chức vụ của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách;

- Cải cách cơ bản chế độ tiền lương, phụ cấp bảo đảm để cán bộ, công chức có mức thu nhập tương đương mức thu nhập khá trong xã hội; thực hiện chính sách tiền lương hợp lý trong một số lĩnh vực đặc thù; nghiên cứu bổ sung chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức...

Đăng Phong

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích