Quyền nuôi con khi vợ chồng ly hôn

28/07/2024 - 20:01

Ông N.V.L có nhu cầu tư vấn: Vợ chồng tôi kết hôn được 9 năm và có với nhau một con trai 8 tuổi. Thời gian gần đây, giữa hai vợ chồng xảy ra nhiều vấn đề mâu thuẫn về việc dạy con. Tranh cãi nhiều lần giải quyết không được, vợ tôi mang con bỏ đi. Tôi nhiều lần đến nơi sinh sống của vợ yêu cầu được thăm con, nhưng vợ tôi không cho gặp mặt.

Xin hỏi: Trong trường hợp vợ chồng tôi ly hôn, tôi có quyền yêu cầu trực tiếp nuôi dưỡng con trai không? Và thủ tục phải thực hiện như thế nào?

Thắc mắc của ông được luật sư Nguyễn Văn Tặng (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Khoản 1, Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) năm 2014 quy định: Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Điều 81 Luật HN&GĐ quy định: Sau khi ly hôn thì cha, mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật HN&GĐ, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.

Theo Luật quy định thì vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Nếu con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng.

Theo như thông tin ông cung cấp thì con trai ông được 8 tuổi, hiện đang do vợ ông trực tiếp nuôi dưỡng. Hai vợ chồng ông đã ly thân với nhau do xảy ra mâu thuẫn về việc nuôi dạy con. Vợ ông ngăn cản không cho ông gặp mặt con.

Căn cứ vào quy định pháp luật nêu trên, ông và vợ của ông đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chăm sóc, giáo dục con. Vợ hoặc chồng đều không được phép ngăn cản người còn lại thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đối với con. Do vậy, việc vợ ông ngăn cản không cho ông gặp mặt con là trái quy định pháp luật.

Khi ly hôn, hai vợ chồng ông có thể thoả thuận với nhau, xem ai là người trực tiếp nuôi dưỡng con, và người còn lại thực hiện quyền thăm nom, chăm sóc con theo quy định pháp luật.

Trường hợp ông và vợ ông không thể thỏa thuận được, ông có thể yêu cầu tòa án xem xét cho ông được giành quyền nuôi con theo quy định pháp luật. Do con trai ông đã 8 tuổi nên khi giải quyết, tòa án sẽ xem xét nguyện vọng của con ông xem cháu muốn sống cùng với cha hay sống cùng với mẹ.

H. Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN