Ông Võ Văn Tâm có nhu cầu tư vấn: Năm 2013, tôi có mua 800m2 đất của ông A, đất này nằm phía trong đất của ông T. Lúc làm giấy tờ mua đất, ông T có nói miệng với tôi và ông A là cho tôi lối đi có chiều ngang 1,5m, dài 20m để vào đất của tôi. Năm 2020, ông A bị bệnh qua đời. Gần đây, ông T không cho tôi đi lối đi này nữa và bảo tôi mở đường đi khác. Nếu vậy, tôi phải băng qua mương, đi vòng rất xa và phải xin chủ đất khác mở đường đi. Xin hỏi, tôi có thể yêu cầu ông T mở lối đi được không?
Thắc mắc của ông được luật sư Lê Vũ Hồng Huệ (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Điều 254 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định quyền về lối đi qua như sau:
“1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.
3. Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại Khoản 2 điều này mà không có đền bù”.
Căn cứ quy định nêu trên và đối chiếu với trường hợp của ông, nếu phần đất của ông bị vây bọc bởi các phần đất của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, thì ông có quyền yêu cầu chủ sở hữu các phần đất vây bọc dành cho ông một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
Để hạn chế về vấn đề tranh chấp và nếu ông chắc chắn đây là lối đi duy nhất để ra đến lộ công cộng thuận lợi nhất, thì ông có thể thỏa thuận với chủ sở hữu đất (ông T) để mua lại phần đất đó sử dụng để làm lối đi, giá cả do 2 bên tự thỏa thuận.
Nếu chủ sở hữu của các phần đất vây bọc không chấp nhận hoặc gây khó khăn cho gia đình ông sử dụng lối đi qua thì ông có quyền yêu cầu UBND cấp xã (phường) đứng ra hòa giải. Trường hợp hòa giải không thành, ông có quyền làm đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp quận (huyện) nơi có đất yêu cầu mở lối đi thụ lý giải quyết.
H.Trâm (thực hiện)