
Hoạt động giáo dục thể chất tại Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Bến Tre.
Ý thức bảo vệ “tài sản”
Có thời gian dài phải ngồi lâu trên máy tính và di chuyển xe liên tục với chặng đường gần 100km từ Bến Tre lên TP. Hồ Chí Minh và hướng ngược lại trong ngày, ông Trần Quang Dược (xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre) - lập trình viên tại TP. Hồ Chí Minh đã mắc bệnh lý ở lưng. Năm 2009, khi phát hiện chứng bệnh đau lưng của mình, ông ngầm hiểu nguyên nhân do thói quen ít vận động. Xác định nguyên nhân và bác sĩ tư vấn, sau khi điều trị ổn định, ông bắt đầu luyện tập chạy bộ với mong muốn cải thiện sức khỏe.
Ban đầu, ông chỉ chạy lòng vòng trong nhà vì tâm lý “ngại”. Sau thời gian, việc chạy bộ như thói quen, ông tự tin mang giày xuống phố. Từ 4 vòng bờ hồ Trúc Giang, ông chạy được một thời gian thì “bắt đầu nhàm chán vì môi trường tập luyện dần quen thuộc”. Quyết định “đổi view” để có cảm hứng là lựa chọn của ông khi ấy. Ông Dược tìm kiếm cảm hứng chạy bộ ở các con đường của TP. Bến Tre. Trung bình mỗi ngày ông Dược chạy đoạn đường từ Phú Nhuận lên ngã 4 Tân Thành về siêu thị Co.op Mart và chạy ngược về Phú Nhuận. Với 7 năm luyện tập, triệu chứng đau lưng của ông đã dần cải thiện.
Mới đây, ông Dược còn tham gia Giải Việt dã truyền thống Báo Đồng Khởi và đạt giải nhất cự ly 3km cho người trên 40 tuổi. Ông Dược chia sẻ: “Phần thưởng tại cuộc thi đấu không quan trọng. Mục đích của tôi tham gia giải đấu là khát khao truyền cảm hứng và lan tỏa tinh thần luyện tập thể dục thể thao đến với mọi người. Bởi sức khỏe là tài sản quý giá nhất mà mỗi người cần phải bảo vệ khi không quá muộn”.
Theo ông Dược, chạy bộ là môn thể thao không tốn kém mà bất kỳ ai cũng có thể tham gia. Tuy nhiên, để luyện tập hiệu quả phải có môi trường rèn luyện, giáo trình cụ thể cho mỗi người. “Khi mới bắt đầu chạy bộ, không ham thành tích chỉ số kí-lô-mét mà có kế hoạch, lộ trình bước chân phù hợp với sức khỏe, thể trạng của từng người. Khi chạy vẫn phải lưu ý kiểm soát được hơi thở, nhịp tim. Chạy nhưng vẫn có thể nói chuyện mà không hụt hơi mới đảm bảo sức bền, có động lực duy trì thói quen”, ông Dược chia sẻ.
Ngày nay, với sự phát triển của cuộc sống, không chỉ bản thân ông Dược mà hầu hết mọi người đều nhận thức được tác hại của việc lười vận động. Nhưng để chuyển đổi hành vi theo hướng tích cực để bảo vệ sức khỏe là một quá trình gian nan, phải đấu tranh tâm lý dữ dội của nhiều người. “Bản thân mình ngày xưa cũng ngại, việc chạy ra ngoài đường là điều hết sức khó khăn. Để mang giày và tham gia các hoạt động thể thao là một chuyện không dễ dàng”, ông Dược bộc bạch.
Hiểu tâm lý của một bộ phận người dân và mong muốn truyền cảm hứng chơi thể thao, đặc biệt là chạy bộ, sắp tới, ông Dược sẽ thành lập câu lạc bộ chạy bộ để kêu gọi mọi người cùng tham gia rèn luyện sức khỏe. Theo ông đây là cách bảo vệ sức khỏe - tài sản vô giá. “Khi thu hút được các thành viên, mình sẽ hướng dẫn bài bản các bước khởi động, kiểm soát nhịp tim. Quan trọng hơn là thiết lập hồ sơ theo dõi chỉ số huyết áp, cân nặng và các vòng đo của các thành viên; chế độ dinh dưỡng hợp lý. Chỉ có tham gia tổ chức, nhóm, câu lạc bộ mới phát triển rộng rãi phong trào thể dục thể thao quần chúng cho các đối tượng trong tỉnh tham gia”, ông Dược cho hay.
Kiểm soát yếu tố nguy cơ
Theo Tổ chức Y tế thế giới, các bệnh KLN đang là thách thức của toàn cầu, gánh nặng rất lớn đối với xã hội và ngành y tế. Việt Nam, trong đó có Bến Tre đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép. Ngoài các bệnh truyền nhiễm khác nhau thì các bệnh KLN vẫn đang có những diễn biến phức tạp, gia tăng nhanh chóng, xảy ra ở mọi nhóm tuổi khác nhau.
Có nhiều bệnh KLN khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay thế giới và ngành y tế Việt Nam đang ưu tiên phòng chống các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Đây là những bệnh có tỷ lệ mắc cao, dễ dẫn đến tử vong. Nguyên nhân chủ yếu do các yếu tố nguy cơ thuộc hành vi lối sống sinh hoạt hàng ngày. Có 5 yếu tố nguy cơ được xác định khiến các bệnh KLN gia tăng, gồm: sử dụng thuốc lá, không hoạt động thể chất, uống rượu bia, chế độ ăn uống kém lành mạnh và ô nhiễm không khí.
Theo TS.BS. Trần Phúc Hậu - Phó trưởng khoa Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ là cách hiệu quả nhất trong phòng chống bệnh KLN. Ngoại trừ giai đoạn bệnh cấp tính cần điều trị tại bệnh viện, còn các giai đoạn khác đều cần các chiến lược can thiệp thuộc lĩnh vực y tế dự phòng, y tế công cộng và được thực hiện tại cộng đồng.
Có thể phân ra các can thiệp trọng tâm cho mỗi giai đoạn phát triển của bệnh KLN và theo 4 cấp độ dự phòng. Dự phòng cấp 1 là can thiệp thay đổ̉i hành vi cho những người có hành vi hút thuốc, lạm dụng rượu bia, có chế độ ăn không hợp lý, ít vận động thông qua hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, cải thiện môi trường. Đây là cấp độ dự phòng mà mỗi người có thể thực hiện được.
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã ban hành “Chương trình sức khỏe Việt Nam” với 11 giải pháp. Trong đó, có 4 giải pháp đang được triển khai tích cực, gồm: dinh dưỡng hợp lý; tăng cường vận động thể lực; phòng chống tác hại thuốc lá và phòng chống tác hại rượu bia. Để phòng chống và hạn chế bệnh KLN, mỗi người hãy tự ý thức kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bản thân để bảo vệ sức khỏe bản thân và cho gia đình, hạn chế những mất mát, gánh nặng kinh tế do bệnh tật gây ra.
Bài, ảnh: Phan Hân