Thay đổi di chúc vì người được thụ hưởng mê cờ bạc

14/03/2021 - 20:05

Ông Nguyễn Ân Du có nhu cầu tư vấn: Tôi đã 84 tuổi. Năm 2019, tôi đã lập di chúc chia đất và nhà cho 3 con trai, đứa út được nhà và 4 công đất, 2 đứa con lớn mỗi người được 5 công đất. Nay đứa con út tôi mê cờ bạc và vướng nhiều nợ nần. Xin hỏi: Tôi muốn thay đổi di chúc có được không. Nếu được, khi lập di chúc mới thì các con của tôi có phải ký tên vào tờ di chúc này không?

Thắc mắc của ông được luật sư Võ Tấn Thành (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Theo lời trình bày của ông, năm 2019, ông đã lập di chúc để lại tài sản sau khi ông chết gồm nhà và đất cho 3 người con trai. Nay, do người con út mê cờ bạc, nợ nần nên ông muốn thay đổi di chúc.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 643 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 thì di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.

Khoản 1 Điều 611 BLDS quy định: “Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại Khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này”. Như vậy, di chúc mà ông đã lập năm 2019 đến nay chưa phát sinh hiệu lực pháp luật.

Mặt khác, tại Điều 640 BLDS quy định:

“1. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.

2. Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.

3. Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ”.

Theo các quy định của pháp luật như đã nêu trên, thì ông có thể lập di chúc mới để thay thế di chúc ông đã lập năm 2019 mà không cần phải có chữ ký của con ông. Tuy nhiên, khi lập di chúc mới, ông cũng phải có đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 630 của BLDS để đảm bảo tính hợp pháp của di chúc:

“a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép.

 b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật”.

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN