Bà Nguyễn Thị N có nhu cầu tư vấn: Tôi ly hôn với chồng (anh H) và anh là người trực tiếp nuôi con trai lúc cháu được 5 tuổi. Đầu tháng 10-2022, tôi được biết anh H đã kết hôn và có con chung với người vợ mới. Xin hỏi: Giờ tôi muốn trực tiếp nuôi con trai được không (nay cháu đã 8 tuổi), thủ tục ra sao? Hiện tôi đang sống độc thân, hoàn cảnh kinh tế ổn định.
Thắc mắc của bà được luật sư Võ Tấn Thành (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Khi ly hôn, nếu vợ, chồng có thỏa thuận thì tòa án sẽ công nhận và giao con cho cha hoặc mẹ nuôi dưỡng theo đúng thỏa thuận của cha, mẹ. Nếu không có thỏa thuận được thì tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con để giao con cho cha hoặc mẹ nuôi dưỡng theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) năm 2014.
Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp, sau khi giành được quyền nuôi con, cha hoặc mẹ lại không quan tâm đến con (hoặc vì lý do nào đó) đã không đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho con. Khoản 2 Điều 84 Luật HN&GĐ quy định các căn cứ để thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
- Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con.
- Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Mặt khác, theo quy định tại khoản 3 Điều 84 Luật HN&GĐ, nếu con từ 7 tuổi trở lên thì việc thay đổi người nuôi con phải xem xét theo nguyện vọng của con.
Như bà trình bày thì con của ông bà đã 8 tuổi, nên việc giải quyết thay đổi người trực tiếp nuôi con ngoài các căn cứ nêu trên phải xem xét nguyện vọng của con.
Căn cứ quy định của pháp luật nêu trên, nếu bà thỏa thuận được với người chồng cũ thì bà có thể yêu cầu tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của một trong các bên thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn; công nhận sự thỏa thuận đó để giành lại việc trực tiếp nuôi con. Trường hợp không thỏa thuận được, thì phải làm đơn khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, gửi đến tòa án nhân dân cấp huyện nơi người đang trực tiếp nuôi con cư trú hoặc tạm trú để tòa án xem xét, giải quyết.
Hồ sơ cần chuẩn bị gồm: Đơn yêu cầu thay đổi quyền nuôi con hoặc đơn khởi kiện yêu cầu thay đổi quyền nuôi con; quyết định, bản án ly hôn đã có hiệu lực pháp luật của tòa án; chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, sổ hộ khẩu; giấy khai sinh của con; các chứng cứ chứng minh cho việc khởi kiện thay đổi quyền trực tiếp nuôi con (áp dụng trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được hoặc khởi kiện thay đổi quyền nuôi con khi người đang trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện để nuôi con).
H.Trâm (thực hiện)