Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm chủ lực địa phương

15/05/2024 - 05:21

BDK - Những năm qua, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ (KH&CN) của tỉnh tập trung trên nhiều lĩnh vực, trong đó, kết quả vượt trội là nghiên cứu KH&CN trên lĩnh vực nông nghiệp. Những kết quả đạt được đã góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và chất lượng nông sản, tăng thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp (DN), tăng giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính tại xã Tân Thủy, huyện Ba Tri.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính tại xã Tân Thủy, huyện Ba Tri.

Những kết quả đạt được

Giai đoạn 2016 - 2024, việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của địa phương được tỉnh quan tâm thực hiện. Cụ thể, về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cấp quốc gia triển khai tại địa phương, tỉnh đã tiếp nhận chuyển giao quy trình sản xuất cây giống bưởi da xanh, cam sành, cam xoàn đạt tiêu chuẩn, chất lượng theo Thông tư số 18/2012/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm. Tiếp nhận chuyển giao và xây dựng các mô hình và quy trình kỹ thuật về chăn nuôi bò cái sinh sản, bò thịt, bò lai, bò vỗ béo; mô hình trồng, thu hoạch và bảo quản cỏ cho bò từ Trung tâm Công nghệ sinh học chăn nuôi. Kết quả đã góp phần Zebu hóa trên 95% (bò cái nền); trong đó, bò thịt chiếm trên 60% tổng đàn chủ yếu tập trung nhiều ở huyện Ba Tri, Thạnh Phú, Giồng Trôm và Bình Đại. Chất lượng bê sinh ra có màu sắc, ngoại hình đẹp, tăng trọng nhanh, thích hợp với điều kiện chăn nuôi của tỉnh, góp phần đem lại hiệu quả thiết thực cho người chăn nuôi.

Bên cạnh đó, xây dựng quy trình công nghệ chế tạo màng Cellulose từ nước quả dừa khô dùng trong bao gói thực phẩm, nhằm đa dạng hóa sản phẩm và tạo ra giá trị gia tăng cho ngành chế biến dừa. Nghiên cứu tạo ra chế phẩm sinh học cải tạo và xử lý đất bị nhiễm mặn nhằm phục hồi cây sầu riêng và cây ăn quả bị ảnh hưởng của nước mặn do biến đổi khí hậu gây nên.

Đối với việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cấp tỉnh giai đoạn 2016 - 2024, Sở KH&CN phối hợp với các đơn vị thực hiện 69 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, cơ sở; trong đó có 4 nhiệm vụ liên quan đến khoa học nông nghiệp, phát triển thương hiệu và sở hữu trí tuệ cho các nông sản chủ lực của tỉnh, 92 nhiệm vụ tập trung phát triển quy trình công nghệ chế biến, xử lý và bảo quản nông sản, qua đó đạt được một số kết quả nổi bật.

Cụ thể, đã nghiên cứu tạo ra chế phẩm sinh học cải tạo và xử lý đất bị nhiễm mặn nhằm phục hồi cây sầu riêng và cây ăn quả bị ảnh hưởng của nước mặn do biến đổi khí hậu; điều tra, nghiên cứu xác định được thành phần nhóm loài rầy xanh gây hại trên cây sầu riêng tại tỉnh. Nghiên cứu, xác định nguyên nhân thối hoa, rụng quả non cây chôm chôm và biện pháp phòng chống có hiệu quả tại tỉnh, từ đó đề xuất biện pháp quản lý tổng hợp phòng chống an toàn, hiệu quả tại tỉnh phù hợp với quy trình chỉ dẫn địa lý. Nghiên cứu quy trình sử dụng chế phẩm sinh học phòng trừ sâu đục thân trên cây xoài; nghiên cứu bảo tồn và phân tích nguồn gen cây sầu riêng tỉnh. Xây dựng mô hình quản lý dinh dưỡng khoáng bền vững cho cây bưởi da xanh tại tỉnh. Ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc quản lý, giám sát và tối ưu quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể nhựa lót bạt 3 giai đoạn tại tỉnh…

Phát triển sản phẩm chủ lực địa phương

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển sản phẩm chủ lực địa phương, tỉnh cần xây dựng, tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch và các đề án lớn nhằm ứng dụng, chuyển giao KH&CN hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, sản phẩm có lợi thế của địa phương. Tăng cường phối hợp với các viện, trường đại học, DN để nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ nhằm phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao KH&CN. Tích cực hỗ trợ các DN nghiên cứu đổi mới công nghệ; hỗ trợ các hoạt động về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh, giúp các địa phương, các DN chủ động hơn nữa trong việc xây dựng, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ.

Bên cạnh, đầu tư tài chính, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ, hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao KH&CN phát triển sản phẩm đặc thù, sản phẩm có lợi thế của tỉnh. Xây dựng các chương trình KH&CN, chương trình hợp tác nghiên cứu để hỗ trợ các DN thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, giới thiệu các công nghệ mới, công nghệ hiện đại để các DN tiếp cận, cải tiến quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tổ chức các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài nước; có cơ chế, chính sách quy định cụ thể về việc hợp tác, liên kết vùng.

Giai đoạn 2026 - 2035, tỉnh đặt ra mục tiêu nghiên cứu phát triển 8 sản phẩm chủ lực của tỉnh (dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, heo, bò và tôm biển) theo chuỗi giá trị bền vững, xây dựng thương hiệu “sản phẩm mạnh” nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của DN, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh trong tiến trình tham gia chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp toàn cầu. Trong đó, nghiên cứu đổi mới công nghệ, hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị sản phẩm theo hướng bền vững đối với 8 sản phẩm chủ lực của tỉnh. Hỗ trợ tạo lập và quản lý dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể cho 40 sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù có lợi thế của tỉnh.

Bài, ảnh: Phương Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN