Vai trò của đấu tranh chính trị trong phong trào Ðồng khởi 1960 (kỳ 1)

13/12/2019 - 13:27

BDK - “Hai chân ba mũi” giáp công được xem là phương thức đấu tranh đặc biệt mà Nữ tướng Nguyễn Thị Định được xem là “bà đỡ”. Trong phương thức đấu tranh này thì đấu tranh chính trị được “Đội quân tóc dài” vận dụng một cách sáng tạo trong phong trào Đồng khởi 1960.

Lực lượng du kích xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri anh dũng chiến đấu chống Mỹ - ngụy trong những ngày đầu Đồng khởi ở Bến Tre (1960). Ảnh tư liệu

Lực lượng du kích xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri anh dũng chiến đấu chống Mỹ - ngụy trong những ngày đầu Đồng khởi ở Bến Tre (1960). Ảnh tư liệu

Miền Nam sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 là một miền Nam đau thương đầy máu và nước mắt. Mỹ - ngụy quyết tâm phá hoại hiệp định, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Chúng đã công khai khủng bố những người yêu nước bằng chiến dịch “Tố cộng, diệt cộng” vô cùng dã man và tàn bạo. Làng quê Bến Tre trở nên ngột ngạt, ngập chìm trong không khí khủng bố, trả thù, chết chóc, tù đày và ly tán. Hàng ngàn cán bộ, đảng viên, quần chúng cách mạng bị giết, thủ tiêu, bắt bớ, tra khảo. Trường học, thánh thất, nhà thờ, đình, chùa… trở thành nơi tra tấn, giam cầm. Phong trào cách mạng tại tỉnh đứng trước những thử thách vô cùng hiểm nghèo.

Nhân dân Bến Tre - những người từng được rèn luyện trong ngọn lửa đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc đã hiểu sâu sắc rằng: Chỉ có đoàn kết đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Ðảng thì mới có độc lập, tự do thật sự. Phụ nữ Bến Tre đã nén đau thương, ổn định tư tưởng, tinh thần, khắc phục khó khăn tiễn đưa chồng và người thân tập kết ra Bắc, nhanh chóng bắt tay vào cuộc đấu tranh chính trị ngoan cường với kẻ thù.

Mở đầu là cuộc biểu tình thị uy mừng hòa bình của 15.000 quần chúng ở huyện Bình Ðại (18-8-1954) và 20.000 quần chúng ở huyện Mỏ Cày (13-9-1954) nhằm biểu dương lực lượng, nhưng khi địch khủng bố thì linh hoạt chuyển sang khẩu hiệu chống khủng bố.

Tiếp theo là các cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống khủng bố những người kháng chiến cũ, đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, đòi hiệp thương tổng tuyển cử, chống chỉ vụ 52 của chính quyền Ngô Ðình Diệm diễn ra khắp nơi trong tỉnh. Mặc dù địch vô cùng ngoan cố và xảo quyệt, ngày càng sử dụng nhiều chính sách bình định gom dân chống phá cách mạng tàn bạo hơn như: lập ấp chiến lược, khu trù mật, nhằm tách dân ra khỏi ảnh hưởng của cách mạng, nhưng chúng không dập tắt được ngọn lửa đấu tranh được thắp lên từ lòng nồng nàn yêu nước, căm thù giặc sâu sắc của nhân dân Bến Tre.

Trái lại, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, phong trào đấu tranh của đồng bào và phụ nữ Bến Tre đã diễn ra với quy mô ngày càng cao, liên tục, quyết liệt, kéo dài và bằng nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, linh hoạt. Bị địch đàn áp, bắn giết, chị em vận động đồng bào khiêng xác trực diện lên quận đấu tranh đòi bồi thường. Ở Ngãi Ðăng, Cẩm Sơn, Thành An được tin địch bắt cán bộ đem về đồn, ban đêm chị em vận động bà con nổi trống, gõ mõ, đốt đèn, đuốc, dùng cây, gậy gộc do địch trang bị “để bắt Việt cộng” rượt đuổi lính chạy về đồn giải vây cho cán bộ.

Năm 1960 là đỉnh cao của phong trào đấu tranh. Trước đó, chính quyền Ngô Ðình Diệm đã ban hành luật phát xít 10/59, lê máy chém đi khắp miền Nam, thực hiện bắt, giết người vô tội mà không cần truy xét.

Ðịch càng điên cuồng chống phá, ngày 25-3-1960, Mỹ - Diệm tập trung trên 12.000 thủy quân lục chiến và nhiều phương tiện tấn công vào 3 xã Ðịnh Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh (Mỏ Cày), chúng đã tàn sát 80 người dân vô tội, chôn sống 36 thanh niên. Nhưng chúng đã không ngờ vì phải đương đầu với một lực lượng tổng hợp bao gồm 1 đại đội vũ trang mới thành lập, một số anh em du kích, đặc biệt là hơn 5.000 phụ nữ với chiến thuật “tản cư ngược” được thảo luận từ trước, dùng hàng trăm ghe, xuồng chở theo quần áo, mùng, mền, nồi xoong, heo, gà, vịt… kéo lên thị trấn Mỏ Cày bao vây dinh Quận trưởng và một số lên dinh Tỉnh trưởng để đấu tranh. Hôm sau, hơn 3.000 phụ nữ các xã xung quanh cũng lên tiếp ứng. Số chị em còn lại ở địa phương làm công tác hù dọa, tuyên truyền, vận động binh sĩ địch và làm hậu cần tiếp tế cho chị em đấu tranh trực diện… Trước áp lực của quần chúng, sau 12 ngày đêm quần nhau, địch ra lệnh cho binh lính rút quân trước thời hạn, bị tổn thất nhiều sinh lực, nội bộ chúng hoang mang, mâu thuẫn nhau.

Về phía ta, bảo toàn được lực lượng vũ trang còn non trẻ. Trận chống càn quy mô lớn và dài ngày đầu tiên này cộng với cuộc khiêng xác một bí thư chi đoàn xã Bình Hòa đấu tranh vào quận Giồng Trôm của 5.000 lực lượng suốt 3 ngày giành thắng lợi, đã giúp cho Tỉnh ủy đúc kết nâng lên hoàn chỉnh phương châm đấu tranh “2 chân, 3 mũi” trong một trận đánh. Trong một cuộc chống càn và cũng qua đây thuật ngữ “Ðội quân tóc dài” đã ra đời. Ðồng thời khẳng định 2 chữ “Ðồng khởi” chứa đựng trong đó nội dung: “Ðồng loạt, đồng tình, đồng lòng nổi dậy, quật khởi chống lại địch” là đúng đắn và phát huy cao độ hơn. Từ đây, “Ðội quân tóc dài” đã thật sự được xem như một binh chủng đặc biệt của Bến Tre. Là nỗi ám ảnh, khiếp sợ của kẻ thù và đội quân này song hành với lực lượng vũ trang chiến đấu cho đến ngày toàn thắng 30-4-1975.

(Còn tiếp)

 Nguyễn Thị Khao

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN