Bà Nguyễn Thị Hồng có nhu cầu tư vấn: Cháu trai tôi là D (20 tuổi) được S nhờ bán xe máy. D biết đây là xe trộm cắp nhưng vẫn nhận lời bán dùm với giá 2 triệu đồng và đã nhận trước của ông A (người mua xe) số tiền 500 ngàn đồng. Trên đường D đem xe tới bán cho ông A thì thấy công an đang bắt ma túy, D sợ nên đem xe về. Sau đó vụ trộm cắp xe bị phát hiện. Xin hỏi, D có bị xử lý hình sự hay không; nếu có thì phạm tội gì?
Thắc mắc của bà được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Pháp luật hình sự quy định rất chi tiết về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Cụ thể tại Điều 323 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 quy định về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có như sau:
“1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 - 7 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm”.
Như vậy, hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có sẽ bị xử phạt với mức phạt tương ứng với tính chất, mức độ phạm tội và giá trị tài sản chứa chấp hoặc tiêu thụ theo quy định trên.
Theo quy định pháp luật nêu trên và thông tin do bà cung cấp, trong vụ việc này, chiếc xe máy là tài sản do S có được từ việc thực hiện hành vi phạm tội trộm cắp tài sản. Còn D là người biết rõ chiếc xe máy là tài sản do S trộm cắp. Lý ra, D phải báo với cơ quan có thẩm quyền để xử lý S, nhưng D đã nhận chứa chấp, cất giữ tài sản trộm và còn nhận tiêu thụ giúp cho S (D trực tiếp giao dịch mua bán, nhận trước của người mua là ông A 500 ngàn đồng).
Ngoài ra, tài sản là chiếc xe máy do D nhận cất giữ và tiêu thụ đã thỏa mãn điều kiện về giá trị tài sản của tội trộm cấp tài sản theo quy định tại khoản 1, Điều 173 BLHS (tài sản trộm cắp có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên).
Mặt khác, xét về hành vi phạm tội, dù tại thời điểm nhận chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản, D không có sự hứa hẹn trước với S là sẽ chứa chấp hoặc sẽ tiêu thụ tài sản này (trước khi S phạm tội); dù D chưa bán được tài sản, mà còn cất giữ, nhưng theo quy định của pháp luật, thì đây cũng thuộc trường hợp tội phạm được coi là hoàn thành kể từ thời điểm D thực hiện hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ chiếc xe máy do S phạm tội trộm cắp mà có.
Do vậy, căn cứ quy định của pháp luật, trường hợp của D có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” được quy định tại Điều 323 BLHS. Tùy vào tính chất, mức độ phạm tội, D sẽ phải chịu mức hình phạt tương ứng theo quy định điều luật này. Để hưởng được tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, D cần phải thành khẩn khai báo với cơ quan điều tra.
H.Trâm (thực hiện)