Về quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi vợ chồng ly hôn

11/08/2024 - 20:12

Anh T.H.T có nhu cầu tư vấn: Vợ chồng tôi kết hôn tự nguyện và đã có con nhỏ. Quá trình chung sống, vợ chồng tôi phát sinh mâu thuẫn. Vợ tôi thường hay bỏ về nhà cha mẹ đẻ sinh sống, bỏ lại con cho tôi và ông bà nội nuôi dưỡng từ lúc cháu mới hơn 5 tháng tuổi. Sau đó, chúng tôi thuận tình ly hôn và lúc này con chúng tôi được 25 tháng tuổi. Gia đình cha mẹ tôi sống hòa thuận, nền nếp, kinh tế khá tốt. Ông bà nội và bản thân tôi rất thương yêu cháu. Tôi có việc làm ổn định, bảo đảm điều kiện sống tốt nhất cho con tôi trong thời gian qua. Xin hỏi: Khi ly hôn, tôi có thể giành quyền tiếp tục nuôi con cho đến khi cháu trưởng thành được không? Tôi không yêu cầu vợ tôi cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn.

Thắc mắc của anh được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Theo quy định tại Khoản 1, Điều 71, Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) năm 2014 thì: Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Mặt khác, tại Khoản 3, Điều 81, Luật HN&GĐ quy định: Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Căn cứ vào quy định pháp luật nêu trên thì cha và mẹ đều có nghĩa vụ và quyền ngang nhau trong chăm sóc, nuôi dưỡng con cái của mình. Tuy nhiên, về nguyên tắc, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi sau khi ly hôn, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện.

Thực tế việc xác định quyền nuôi con sau ly hôn còn phụ thuộc vào sự thỏa thuận của vợ chồng, vào điều kiện kinh tế, hoàn cảnh và các yếu tố tinh thần nhất định.

Cụ thể như sau: Nếu vợ chồng thỏa thuận được ai là người trực tiếp nuôi con và thỏa thuận này cần phải trên tinh thần trách nhiệm, tình yêu thương con cái, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích tốt nhất cho con thì tòa án sẽ tôn trọng và ghi nhận sự thỏa thuận này. Nếu vợ chồng không tự thỏa thuận được ai là người trực tiếp nuôi con sau ly hôn thì tòa án sẽ quyết định dựa trên các điều kiện vật chất như kinh tế, nơi ăn ở, môi trường sống và các yếu tố tinh thần như tình cảm, văn hóa, giáo dục để quyết định.

Do vậy, để giành được quyền nuôi con, anh cần cung cấp cho tòa án những chứng cứ chứng minh là vợ anh không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cháu (như về thu nhập, nơi ở, tình cảm vợ anh dành cho con, cách giáo dục đối với con…). Đồng thời, anh cũng phải có chứng cứ chứng minh điều kiện kinh tế, tình thương yêu của anh dành cho cháu; hoàn cảnh, môi trường sống xung quanh, tư cách, đạo đức của anh và cách giáo dục cháu… để tòa án có căn cứ xét giải quyết nguyện vọng được tiếp tục nuôi dưỡng con của anh và ghi nhận việc anh không yêu cầu vợ anh cấp dưỡng nuôi con.

H. Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN