Thắc mắc của bà được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Quá trình giải quyết vụ án tranh chấp đất đai nói chung, cũng như tranh chấp dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất, thì theo yêu cầu của đương sự hoặc xét thấy cần thiết, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án sẽ tổ chức thực hiện việc đo đạc. Trong đó, có mặt của các bên đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và đại diện UBND hoặc công an xã (nơi có đất tranh chấp) đễ hỗ trợ, chứng kiến.
Hoạt động đo đạc để xác định hiện trạng quyền sử dụng đất tranh chấp là một biện pháp thu thập chứng cứ do thẩm phán được phân công giải quyết vụ án tiến hành.
Điều 489 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về xử lý hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của người tiến hành tố tụng: “Người nào có một trong các hành vi sau đây thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
1. ...
6. “Cản trở người tiến hành tố tụng tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ, định giá, giám định hoặc xác minh, thu thập chứng cứ khác do Bộ luật này quy định”.
Nếu xảy ra việc đương sự hoặc người thân của đương sự có hành vi chống đối, cản trở không cho đo đạc, thì đây là hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của người tiến hành tố tụng. Do vậy, tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả gây ra, người có hành vi cản trở hoạt động này có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Về hình thức xử phạt hành chính, Điều 498 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt hành chính đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự được thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và pháp luật có liên quan”.
Mặt khác, tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 18/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1-4-2020) quy định xử phạt hành vi cản trở hoạt động đo đạc và bản đồ hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân như sau: “Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi cản trở hoạt động đo đạc và bản đồ hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
Căn cứ quy định pháp luật nêu trên và như thông tin bà cung cấp, con trai bà đã có hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của người tiến hành tố tụng (thẩm phán được phân công giải quyết vụ án).
Trong trường hợp này, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án, có quyền xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự của con trai bà theo quy định của pháp luật. Do vậy, con trai bà có thể bị xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng. Trong trường hợp cần thiết, tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
H.Trâm (thực hiện)