Quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi mua đất có tranh chấp

11/10/2020 - 19:22

BDK - Ông Nguyễn Hoài Bảo có nhu cầu tư vấn: Năm 2018, tôi mua đất của ông C và tôi được cấp sổ đỏ 1.500m2 đất. Tháng 6-2019, tôi mới biết giữa C và ông M có tranh chấp. Tháng 12-2019, Tòa xử ông C phải trả đất lại cho ông M với diện tích 2.700m2, trong đó có 1.500m2 đất tôi đã mua của ông C. Tòa còn tuyên hủy sổ đỏ của tôi. Xin hỏi: Tôi có bị mất đất không, tôi phải làm sao?

Thắc mắc của ông được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Thông tin của ông cung cấp trong vụ việc này là chưa rõ, nhưng có thể hiểu ông là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) giữa ông C và ông M. Ông thuộc trường hợp là người thứ ba ngay tình trong giao dịch phần đất 1.500m2 giữa ông C và ông M. Tại thời điểm giao dịch, ông không có cơ sở để biết và không buộc phải biết việc tham gia vào giao dịch là không phù hợp với quy định pháp luật.

Pháp luật dân sự đưa ra biện pháp bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự (GDDS), trong trường hợp GDDS dẫn đến vô hiệu không do lỗi của người thứ ba.

Khoản 2 Điều 133 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp GDDS vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một GDDS khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.

- Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì GDDS với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa”.

Căn cứ điều luật trên, xét vụ việc của ông, nếu 1.500m2 đất mua bán nêu trên, đã được ông C đăng ký và được cơ quan có có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo quy định tại Khoản 3, Điều 188 Luật Đất đai năm 2013, thì giao dịch chuyển nhượng 1.500m2 đất này giữa ông và ông C không bị vô hiệu, vì ông đã căn cứ vào giấy chứng nhận QSDĐ do cơ quan có thẩm quyền cấp để nhận chuyển nhượng và ông cũng được cấp giấy chứng nhận QSDĐ phần đất này, nên được xem là ngay tình và được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra.

Mặt khác, theo quy định tại Khoản 3 Điều 133 BLDS: Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu GDDS với người này không bị vô hiệu theo quy định tại Khoản 2 điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.

Trên cơ sở quy định của pháp luật, chứng cứ chứng minh, Tòa án sẽ xem xét phán quyết. Do vậy, nếu ông phát hiện có vấn đề không khách quan, có vi phạm pháp luật trong bản án đã có hiệu lực pháp luật, thì ông có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị theo quy định tại Khoản 2, Điều 331 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN