Ðón Tết trong không gian phủ̉ thờ họ Trần

20/01/2022 - 16:24

BDK - Tết đến, Xuân về lòng người chứa chan niềm hân hoan, đong đầy cảm xúc, sự lạc quan vào một năm mới an khang, thịnh vượng. Trong không khí của những ngày đầu xuân, các giá trị văn hóa truyền thống luôn hiện hữu, nhắc nhớ mỗi người con đất Việt về tình yêu quê hương, đất nước. Hòa chung không khí đón Tết cổ truyền của dân tộc, các gia đình người Việt ở Bến Tre luôn giữ gìn nền nếp gia phong và trao truyền cho thế hệ mai sau. Trên cù lao Minh, có một dòng họ đã nỗ lực duy trì phong vị Tết truyền thống trong không gian cổ kính của ngôi phủ thờ.

Cụ Trần Hữu Mạnh khai bút đầu xuân. Ảnh: Hữu Nghĩa

Cụ Trần Hữu Mạnh khai bút đầu xuân. Ảnh: Hữu Nghĩa

Lịch sử dòng họ

Bến Tre là tỉnh đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, có vị trí giáp biển, địa hình tương đối bằng phẳng, có những giồng cát xen kẽ ruộng vườn. Đây là những điều kiện tự nhiên thuận lợi để các lưu dân người Việt đến định cư lâu dài. Họ đến đây theo những chuyến ghe bầu vượt biển vào Nam, nơi ở ban đầu tại các vùng cửa sông, dần dần tiến sâu vào nội địa, chọn những giồng cát cao ráo có nước ngọt để sinh sống. Nguồn gốc cư dân người Việt ở Bến Tre có xuất xứ từ miền Trung đi thẳng vào Nam, điển hình như dòng họ Thái ở huyện Ba Tri đi từ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) vào đây. Trên cù lao Minh, khu vực huyện Mỏ Cày Nam ngày nay, có dòng họ Trần là một trong những dòng họ đến đây khai phá sớm nhất, đến nay đã trải qua 9 đời.

Ông tổ của dòng họ Trần tên thật là Nguyễn Văn Đường, từ vùng Ngũ Quảng chèo ghe bầu vào Mỏ Cày để khai hoang, lập nghiệp. Dòng họ Nguyễn định cư ở Mỏ Cày đến đời thứ 3 là ông Nguyễn Văn Ơn (1870 - 1927) thì đổi sang họ Trần, bởi vì ông Nguyễn Văn Ơn quen với một người con gái tên là Nguyễn Thị Đồ. Do tục lệ, những người chung họ không thể lấy nhau vì quan niệm rằng cùng họ là chung dòng họ. Vì hết mực thương yêu người con gái ấy nên ông Nguyễn Văn Ơn đã suy nghĩ và tìm ra cách cải họ Nguyễn thành họ Trần để khác họ với người yêu và sau đó tiến tới hôn nhân vợ chồng. Từ đây, dòng họ Nguyễn của gia tộc  đổi thành họ Trần cho đến ngày nay. Trải qua quá trình khai hoang vất vả, dòng họ Trần dần định cư lâu dài, cơ nghiệp ngày một vững chắc. Năm 1934, ông Trần Văn Biêng (đời thứ 4) đã khởi công xây dựng ngôi phủ thờ tại làng Phước Hiệp (nay là xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam). Lúc này ông Biêng là thầy đồ dạy Nho học, lễ nghĩa, đồng thời ông cũng tham gia Ban Hương chức của đình thần trong làng.

Ngôi phủ thờ đầu tiên làm bằng gỗ, có 3 gian, hai chái theo kiến trúc nhà truyền thống Nam Bộ, trên diện tích khoảng nửa công đất (500m2), do những người thợ từ Huế vào thi công. Ông Trần Văn Biêng tự tay thiết kế và cho chạm trổ những loại cây trái, hoa lá, con vật đặc trưng ở đất phương Nam trên các vì kèo, xuyên, trính vỏ đậu… Ngôi nhà được lợp ngói âm dương 3 lớp. Dấu ấn của ông Biêng trong ngôi nhà thể hiện qua những tấm hoành phi, liễn đối do chính ông sáng tác bằng chữ Hán. Ông dùng bút lông, mực tàu viết trên giấy hồng đơn rồi khuấy hồ dán lên những tấm gỗ đã tạo dáng, sau đó những người thợ Huế tiến hành khắc chữ, chạm lộng với các chủ đề mai điểu, dây lá, hoa mẫu đơn, trái măng cụt.

Trong thời kháng chiến chống Pháp, Mỹ ngôi phủ thờ bị hư hại nhiều do chiến tranh.

Hồn cốt gia phong

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Trần Văn Sáu, còn có tên khác là Trần Hữu Mạnh (đời thứ 5) phục hồi ngôi phủ thờ và cho di dời về khu vực Khu phố 3, thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam trên khu đất rộng 2ha. Đây là mảnh đất do ông Trần Văn Biêng mua năm 1918, giá 800 đồng bạc trắng (đồng Franc). Năm 2018, trên nền ngôi phủ thờ do ông Sáu khôi phục, gia đình khởi công xây dựng phủ thờ mới bằng bê-tông, cốt thép với 3 gian, 2 chái, diện tích 12,6 x 16,6m theo kiến trúc gần giống với ngôi nhà năm 1934.

Cách bố trí thờ tự mang đậm chất Nam Bộ, gian giữa thờ trời phật, thánh thần; phía ngoài là tấm hoành “Đức duy hinh”, bao lam và đôi câu đối “Phú thọ khang ninh do tổng thị nhân từ thành sự nghiệp/ Quý tài lợi lạc do giai thị trung hiếu vĩnh cơ viên”.  Phía trên phủ thờ cẩn ốc xà cừ có đặt bộ lư đồng trái đào, hai bên là bình hoa và chò trái cây bố trí theo nguyên tắc Đông bình, Tây quả. Phía trong cùng là giường thờ có đặt bát nhang, giá đũa muỗng, hình thờ và bài vị. Trên vách treo hai tấm tranh thờ cẩn ốc xà cừ, phía trên treo tấm hoành “Trần phủ đường”, hai bên là đôi câu đối “Tĩnh tắc hữu thường nhân giả thọ/Phú nhi hảo lễ đức vi hương”. Gian bên trái treo tấm hoành “Quang tiền tự”, câu đối “Cực hi kiều bá truy cổ đạo”; gian bên phải treo tấm hoành “Dụ hậu côn”, câu đối “Giang ân hồng trảo ngộ tiền nhân”, tiếp đến là tranh thờ cẩn ốc xà cừ được treo trên vách gỗ. Hai bên có ghế thờ cửu huyền thất tổ, ông bà, cha mẹ và cách bày trí giống gian giữa.

Hiện nay, Trần phủ đường do anh Trần Hữu Phú (cháu đời thứ 7) coi sóc, phụng thờ. Các đồ tế tự, vật dụng trong nhà vẫn còn khá nguyên vẹn. Đặc biệt, dòng họ Trần còn lưu truyền cho con cháu những quyển sách viết về cổ phong, lễ tiết bằng  chữ Hán Nôm. Hàng năm, khi Tết đến, Xuân về, phủ thờ họ Trần càng lung linh, tỏa sáng với những mỹ tục. Ngay từ rằm tháng Chạp, gia đình đã vẽ bùa nêu trên vải đỏ để dùng cho lễ dựng nêu diễn ra vào ngày 23 sau khi đưa ông Táo về trời. Từ ngày 29 hoặc 30 tháng Chạp diễn ra nhiều phong tục đón Tết như: rước ông bà, rước ông Táo, cúng ra mắt đầu năm, tết nhà, tết vườn… và hạ nêu vào ngày mùng 7 tháng Giêng.

Anh Trần Hữu Phú cho biết, lúc còn nhỏ anh thường giúp ông nội mài mực tàu viết các sớ văn cúng đình, liễn đối ngày xuân. Trước kia ông là thầy thuốc nam biết châm cứu, bấm huyệt, coi ngày tốt xấu và là thầy đồ dạy Nho học trong làng. Chính vì điều đó mà ít nhiều ảnh hưởng và tạo động lực để anh giữ gìn lễ nghĩa, truyền thống của dòng họ. Phủ thờ họ Trần tuy xây mới nhưng vẫn chứa đựng hồn cốt gia phong xưa cũ được trao truyền qua nhiều thế hệ.

Ngày xuân, trên ba dải cù lao xứ Dừa, không khí rộn ràng lan tỏa khắp muôn nơi. Đây là thời điểm để mỗi người cùng lắng lòng, hướng về nguồn cội; gửi gắm bao niềm hy vọng trước thềm năm mới. Trong những ngày Tết cổ truyền, phong vị Tết xưa vẫn hiện diện tại Trần phủ đường như sợi chỉ đỏ giềng mối tạo nên nếp nhà xuyên suốt hàng trăm năm qua. Tết xưa có thể chỉ còn đọng lại trong ký ức của nhiều người nhưng trên hết, Tết là bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Bùi Hữu Nghĩa

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN