Bày bán công khai nhưng khó xử lý

29/08/2016 - 07:43

Động vật hoang dã được bày bán công khai ven quốc lộ 60.

Đủ loại chim hoang dã như các loại cò, trĩ, vịt trời, bìm bịp… được bày bán ngang nhiên ven quốc lộ 60 (nhiều nhất ở đoạn qua xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc) nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý được vì quy định “ngặt” của pháp luật trên lĩnh vực này. Điều đó khiến dư luận bức xúc trong khoảng thời gian hơn 2 năm qua.

Bao nhiêu cũng có

“Hàng đêm coi thời sự Đài Truyền hình Việt Nam, tôi đều thấy tuyên truyền, khuyến khích về việc bảo vệ và đồng thời ngăn cấm mọi hành vi tiêu thụ, buôn bán động vật hoang dã. Thế nhưng, không hiểu vì sao đã mấy năm qua những người bày bán ngang nhiên ở các địa điểm cố định như vậy mà vẫn “bình an vô sự” nên lâu lâu cũng ghé mua vài con về làm mồi nhậu cho biết thịt rừng với người ta” - anh Phạm Văn Mộng, một tài xế chuyên chở tôm, cá từ huyện Thạnh Phú lên bán ở các chợ tại TP. Bến Tre tiết lộ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khách hàng tìm mua động vật hoang dã ở đây chủ yếu là khách vãng lai mua để làm mồi nhậu, ngoài ra còn có các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ẩm thực trên địa bàn tỉnh. “Họ đã bày bán như vậy còn không bị xử phạt gì, chúng tôi mua lại bán thì sợ gì chứ. Có điều mình không bắt đường dây được nên đành chịu mua với giá khá cao” - một chủ quán kinh doanh ẩm thực tại TP. Bến Tre cho biết. Khi được hỏi về nguồn gốc từ đâu, vị chủ quán này trả lời: “Tôi hỏi mà người bán không tiết lộ”.

Các loại chim, cò hoang dã này luôn được bán với giá cao ngất ngưởng so với các loại thịt gà, vịt, heo, bò nên đã hạn chế những người có thu nhập thấp. Đáng nói là chúng được bán và tính tiền theo số lượng con chứ không theo ký thông thường: chim bìm bịp hơn 200g có giá 100 ngàn đồng/con, vịt trời dưới 500g giá 200 ngàn đồng/con, chim trích khoảng hơn 200g giá 300 ngàn đồng/con, chim trĩ 300 ngàn đồng/con, cò ruồi (cò trắng) dưới 200g giá 80 ngàn đồng/con… và những loại chim đặt theo yêu cầu thì đương nhiên có giá riêng.

Chim việt, chim trĩ  hầu như đã tuyệt chủng tại các rừng trên địa bàn tỉnh ta. Ảnh: M.P

Trong vai trò một người cần mua với số lượng lớn, đặc biệt những loại quý hiếm để tiêu thụ trong nhà hàng, tôi được chị L. (người bán) trả lời chắc nịch: “Loại chim rừng quý thì anh phải nói rõ là loại nào, số lượng bao nhiêu thì tôi điện thoại báo cho lái, nếu được thì chậm nhất 2 ngày sau sẽ có. Còn những loại chim có nguồn gốc từ rừng nhưng được nuôi “công nghiệp” thì bao nhiêu cũng có”. Ngoài ra, người bán còn dặn kỹ “hàng về thì phải lấy nhanh chứ nếu không có thể bị bắt phạt”. Khi được hỏi về nguồn gốc những loại chim hoang dã này thì những người buôn bán chỉ nói chung chung rằng chúng được nhiều người ở các tỉnh khác nuôi “công nghiệp” và chỉ lấy bán kiếm lời. Xin thông tin chính xác để liên hệ với những người cung cấp thì các chủ hàng đều lắc đầu “không bao giờ cho đâu mà hỏi”.

Khó đủ “lý” để xử phạt

Cơ quan chức năng chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền, nhắc nhở. Trong khi đó, những người dân yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường đa dạng sinh học, bảo vệ động vật hoang dã thì bức xúc! Còn người chăn nuôi gia cầm tại các xã lận cận khu vực quốc lộ 60 thuộc các huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam luôn lo lắng việc những con chim “lạ” này mang mầm dịch bệnh về lây lan sang đàn gia cầm của họ!

Ông Dương Văn Nghĩa - Trưởng Công an xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc cho biết, trên địa bàn xã có 2 hộ tự kinh doanh hơn 2 năm qua. Đầu năm 2016, đoàn kiểm tra của Chi cục Kiểm lâm (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và UBND huyện Mỏ Cày Bắc có kiểm tra nhưng không phát hiện các hộ này buôn bán động vật hoang dã thuộc dạng quý hiếm được bảo tồn. “Chúng tôi đã buộc các hộ này ký cam kết không tiêu thụ động vật hoang dã nhưng các lần khác đi kiểm tra họ cũng còn bán và bảo đó là “chén cơm” duy nhất của họ nên cũng không làm mạnh tay được, chỉ chủ yếu tuyên truyền, vận động họ không tiếp tục, đồng thời nhắc nhở họ bảo vệ môi trường khu vực buôn bán, không được lấn chiếm lòng lề đường” - ông Nghĩa cho biết.

“Chúng tôi luôn chỉ đạo quyết liệt việc xử lý những hành vi lấn chiếm lòng lề đường tuyến quốc lộ 60 đi qua địa bàn xã để bảo đảm tốt hành lang an toàn giao thông. Còn xử lý triệt để các hành vi buôn bán động vật hoang dã thì khó lắm! Khó về việc xác định chủng loại nào tiêu thụ là bị xử phạt, rồi hình thức xử phạt ra sao… Tôi nghĩ, chỉ cơ quan kiểm lâm mới có điều kiện tối ưu nhất để thực hiện các việc này”, ông Nguyễn Văn Hữu - Chủ tịch UBND xã Tân Thành Bình nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đoàn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết, cơ quan này cũng rất quan tâm và thường xuyên theo dõi các hoạt động buôn bán chim hoang dã trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là dọc các tuyến quốc lộ. Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính người bán khi động vật hoang dã đã ra thị trường thì sẽ bị “đuối lý” theo quy định của Nghị định số 159 của Chính phủ (ban hành năm 2007 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản).

“Khi ra thị trường thì quy định chỉ xử phạt khi đã xác định đầy đủ thông tin rằng con vật đó có nguồn gốc từ rừng nhưng trên thực tế đã có nhiều loại sống lưỡng cư tại các khu vực đồng bằng và được nhiều người nuôi. Mặt khác, việc xử lý trong quá trình vận chuyển cũng gặp khó khăn tương tự do quy định trên, ví dụ như chim cu xanh sống tại sân chim Vàm Hồ (huyện Ba Tri) nhưng chỉ phát hiện khi đã vận chuyển tới huyện Giồng Trôm thì mình rất khó khăn để xác định rằng lô chim cu xanh chính là bị bắt được ở sân chim đó... Vậy nên chỉ khi bắt tận tay hành vi săn bắt động vật hoang dã thì mới xử phạt được. Đương nhiên, những loại chim nằm trong “danh sách đỏ” được bảo tồn quốc gia thì chúng tôi sẽ cương quyết xử lý đúng pháp luật” - ông Đoàn phân tích.

Cũng theo ông Đoàn, các tỉnh, thành khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng gặp khó khăn tương tự trong vấn đề xử lý như tại Bến Tre và cũng đã kiến nghị tới Trung ương thông qua nhiều hội thảo, hội nghị chuyên đề. “Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục kiến nghị với Trung ương về kẽ hở này trong khi xây dựng Luật Bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ động vật hoang dã trong thời gian tới để có cơ sở pháp lý thuận lợi khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình” - ông Nguyễn Văn Đoàn cho biết.

Bài, ảnh: Việt Phương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN