
Thư viện Nguyễn Đình Chiểu đang có nhiều loại sách văn học, ca dao, dân ca dân gian. Ảnh: T.LONG
Trên đất Bến Tre, có một dòng ca dao sáng ngời tinh thần cách mạng của chống giặc dốt, của Cách mạng tháng Tám, của kháng chiến chín năm chống Pháp, của Đồng Khởi anh hùng… Rõ ràng là, tinh thần cách mạng đã nung nấu ý chí đấu tranh, và quần chúng nhân dân chứ không ai khác, đã sáng tạo nên dòng ca dao mới sáng ngời cách mạng.
Trong cuộc tham gia vào đi điền dã, sưu tầm văn học dân gian Bến Tre và qua tiếp xúc nhiều năm với văn hóa Bến Tre, chúng tôi - nhóm nghiên cứu của Trường Cao đẳng Bến Tre, đã có trong tay một số bài ca dao kháng chiến có thể nói là rất Bến Tre và vô cùng sinh động.
Ngay từ trong buổi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, người dân Bến Tre đã dặn dò nhau:
Chớ tham đồng bạc con cò.
Bỏ cha, bỏ mẹ đi phò Lang Sa.
“Phò” là cúc cung, tận tụy, là xun xoe, nịnh hót, nhân dân đã dùng từ rất đắt.
Và rất nông dân Nam Bộ, bộc tuệch mà thẳng thắn:
Cha đời mấy đứa theo Tây,
Mồ ông cha để voi dày biết chưa?
Rước voi về dày mả tổ - câu tục ngữ được vận dụng đưa vào đây thật độc đáo.
Đánh giặc thù, người dân Bến Tre vẫn không quên chiến dịch chống giặc dốt:
Một cây làm chẳng nên non,
Giặc dốt hãy còn, chiến dịch chưa xong.
Ở đây, câu tục ngữ được vận dụng quá sinh động, kêu gọi toàn dân cùng nhau đi học, xóa dốt.
Trong phong trào đào đường, phá lộ ngăn bước tiến của quân thù, dân gian có câu:
Phá cho bứt lộ thành mương,
Phá cho cầu sập hết đường Tây đi.
Phong trào tham gia vào Vệ quốc đoàn, thành Vệ quốc quân, với thanh niên ta đã trở thành lý tưởng cách mạng sáng ngời:
Trời mưa cho ướt lộ làng,
Ướt em em chịu, ướt Vệ quốc đoàn em thương.
Và hai người yêu nhau, khi chia tay nhau đã nói như sau:
Em là con gái Giồng Trôm
Nào ai tính thiệt so hơn làm gì
Yêu em anh phải nhớ ghi,
Đánh Tây giữ đất mới là trượng phu.
Sau cuộc kháng chiến chín năm, nhân dân Bến Tre lại phải bước ngay vào cuộc đấu tranh tiêu diệt Mỹ-ngụy, Đồng Khởi giương lên lá cờ đầu cả nước. Quê hương Bến Tre, còn có tên gọi: tỉnh Đồ Chiểu, đã có câu ca dao:
Quê hương Đồ Chiểu rạng ngời,
Tinh thần cách mạng đỏ trời vàng sao.
Tinh thần Đồng Khởi, ngọn cờ Đồng Khởi xốc bừng lên khí thế cách mạng:
Thấy bóng khăn rằn anh biết rằng em tới
Con sông Hàm Luông tàu Mỹ chạy ra
Màu khăn Đồng Khởi Bến Tre
Cầu Ba Lai đó giặc lật xe chết hoài.
Thật quả là:
Bến Tre ba đảo dừa xanh
Quê hương Đồng Khởi mát lành phù sa.
Đúng là mảnh đất Bến Tre vô cùng anh dũng, năm xưa, ca dao đã nói đến ông Đồng Văn Cống anh hùng, dũng cảm:
Bàu Dơi quân Pháp sang chơi
Có ông ”Cống bịch” đang chờ bây đây.
”Cống bịch” là ”ôm hè”, ”vật hè” đã làm cho giặc Pháp kinh hoàng khi nhắc đến danh ông Đồng Văn Cống.
Trong những tháng năm của phong trào Đồng Khởi, rồi hình ảnh anh Nguyễn Văn Tư đánh giặc bằng ong vò vẽ đã làm cho Mỹ-ngụy phải bạt vía kinh hồn:
Ai xui thằng Mỹ đi càn
Vô sâu ong đốt, ra đàng gặp chông.
Như sông Cửu Long cuồn cuộn sóng, làn sóng Đồng Khởi dâng lên cuốn phăng bốt đồn Mỹ-ngụy, làm rung chuyển, sụp đổ chế độ Ngô Đình Diệm:
Ô hô tô kiểu bể rồi
Bàng kia trốc gốc Diệm ngồi khoanh tay.
Trong chuyến đi điền dã về Giồng Luông, xã Đại Điền (Thạnh Phú), chúng tôi thu được những vần ca dao rất thật mà vô cùng sinh động.
Loại xe bọc thép trong những lần đi càn đã bị địa lôi, tức mìn tự tạo phá hủy, ở vùng văn học dân gian Bến Tre đã có ngay câu ca dao:
Ngày xưa ông địa ăn chè,
Ngày nay ông địa ăn xe nồi đồng.
Trong hàng ngũ ác ôn ở Giồng Luông có tổng Y (tên thánh Lu-i), chánh tổng Minh Phú, vì Y quá ác ôn nên nhân dân căm thù, ám sát nhiều lần mà không được, ngày nay, Y đã đi vùng kinh tế mới, còn để lại câu ca dao lưu truyền:
Ngày xưa bà lão ăn trầu
Ngày nay bà lão ăn đầu thằng Y.
Sở dĩ có câu ca dao này là vì có một lần bà lão do du kích hóa trang, bưng rổ đi chợ, trên đựng trầu, trong đó có quả lựu đạn, bà ném vào văn phòng tổng, diệt nhiều tên giặc, nhưng tổng Y thoát chết.
Chiến đấu giải phóng quê hương, hàng đêm anh em du kích còn vận động địch ra ”đầu thú” với nhân dân. Đêm đêm, tiếng phát loa vang dội:
- Alô... alô... Mỹ thua về Mỹ, anh em binh sĩ về đâu.
Trong phong trào Đồng Khởi, ba mũi giáp công với hai chân, ba mũi đã tạo nên sức mạnh vô địch của quần chúng nhân dân.
Lòng dân Bến Tre luôn ngưỡng vọng, gửi trái tim thương nhớ về đất Bắc, về thủ đô, nơi ấy có Bác Hồ, vị cha già của dân tộc Việt Nam:
Xa cha gần giặc mặc dầu
Long son, dạ sắt con nào dám quên.
Và còn câu ca dao Bến Tre này nữa, thật vô cùng xúc động vì tình cảm của quần chúng nhân dân dành cho Bác :
Nước Cửu Long sóng dồn cuồn cuộn
Cửa Hàm Luông mây cuốn cánh buồm xuôi
Hương thơm tỏa khắp đất trời
Bác ơi! tên Bác sáng ngời miền Nam.
Đọc ca dao Bến Tre chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, Đồng Khởi, phải nói là có “cái đã” của đồng tâm, đồng chí. Nay, sắp đến kỷ niệm ngày Đồng Khởi, viết mấy dòng suy nghĩ, rất mong tìm gặp bạn tri âm.