Buồn vui nghề bán vé số

27/05/2011 - 07:45

Lâu nay không biết xuất phát từ nguyên nhân nào mà nhiều người coi nghề bán vé số là một nghề tầm thường, thậm chí có người còn cho rằng đã cùng đường mới chọn nghề bán vé số. Đó không chỉ là môt định kiến mà hơn hết là phủ nhận một cái “nghề” kiếm tiền chân chính. Tất nhiên, nghề nào cũng có người tốt kẻ xấu, có niềm vui nỗi buồn.

Có lần tôi chứng kiến một học sinh trêu ghẹo bạn học mình rằng: Ê, ba má mày là “đồ” bán vé số! Em học sinh đó đứng rươm rướm nước mắt mà không hề phản ứng. Sự thụ động của em chứng tỏ rằng tự bản thân em cũng xem thường công việc của ba má mình. Đó chỉ là một trong những trường hợp tôi chứng kiến được.

Những người đi bán vé số phần nhiều là người nghèo, ít học nên dễ bị lường gạt. Cách đây vài tuần, tôi gặp một bà cụ ngồi khóc nức nở dưới dốc cầu Bình Hòa Phước (Vĩnh Long). Dừng xe lại hỏi thăm, bà cụ nghẹn ngào: Hồi sáng có cậu thanh niên ghé, nói trúng giải bảy (ba chữ số) đài Tây Ninh kêu tôi đổi lấy hai trăm ngàn rồi mua lại năm tờ vé số. Mừng quá, tôi chỉ kịp nhìn thấy đài Tây Ninh, thứ năm và ba con số, mà không để ý tới ngày tháng. Hồi nãy vô đại lý đổi, tôi mới biết là tờ vé số của tuần trước…

Nói đi cũng phải nói lại, trong số nhiều người buôn bán chân chính cũng có một số người kiếm tiền một cách chụp giựt, lợi dụng sự từ tâm của mọi người để lường gạt. Nhiều người bán có cách hành xử không văn hóa như khều móc, chèo kéo khi người ta đang ăn uống; nài ép một cách suồng sã, tạo tâm lý thiếu thiện cảm chung của một số người đối với những người bán vé số.

Bán vé số là một cái nghề kiếm tiền lương thiện, điều đó ai cũng biết nhưng có nhiều người vì sĩ diện, không thoát ra được sự mặc cảm bản thân và nhất là trong con mắt người đời nó vẫn là một cái nghề thấp hèn nên thà là họ đi làm phụ hồ, đi làm công nhật, thậm chí… ở không chơi chứ không cầm xấp vé số đi bán. Ngược lại, nhiều người thoát nghèo nếu không muốn nói là dư dả khi hành nghề bán vé số. Hai vợ chồng Nghĩa, Phiêu quê ở Cai Lậy (Tiền Giang) trước đây có thời gian đi may gia công ở TP. HCM. Đời sống công nhân những năm chín mươi của thế kỷ trước thật bấp bênh, lương hai vợ chồng mỗi tháng mấy trăm ngàn không đủ để xoay sở cho cuộc sống hiện tại lấy đâu để tích luỹ. Loay hoay mãi với những dự định nhưng vốn liếng không có nên họ thấy tương lai mình thật tăm tối. Rồi, một ngày hai vợ chồng bàn nhau bỏ qua sĩ diện, mặc cảm, họ quyết định đi bán vé số. Mới đầu sự vất vả cũng nhiều lần làm họ nản lòng. Nhưng bằng quyết tâm làm chủ cuộc sống của mình, hai vợ chồng Nghĩa, Phiêu đã không ngại mưa nắng bám lấy cái nghề bị coi là hạng bét của cuộc mưu sinh đầy khắc nghiệt này. Bây giờ nhìn lại sự lựa chọn có phần “phiêu lưu” của mình, Nghĩa nói: Nếu không biết tự vượt qua mặc cảm bản thân, tới giờ này tôi không biết hai vợ chồng mình sẽ sống ra sao ở cái đất Sài Gòn đầy bất trắc đó, chắc cũng chỉ là hai công nhân ăn cơm tiệm, ở phòng trọ mà thôi! Trong lời nói của Nghĩa có phảng phất chút hãnh diện của người “thành đạt”. Mười mấy năm lăn lộn với nghề bán vé số, Nghĩa đã mua được một cái nền nhà gần quốc lộ 57 thuộc xã Vĩnh Bình (Chợ Lách). Và mới đây, Nghĩa đã cất được ngôi nhà trên một trăm triệu đồng, sắm sửa nhiều tiện nghi và phương tiện hành nghề là chiếc xe gắn máy. Điều đó là quá đủ để Nghĩa hãnh diện với cái nghề mình đã chọn. Để có được điều đó, như Nghĩa tâm sự, ngoài sự chịu thương chịu khó thì nghệ thuật ứng xử cũng rất quan trọng. Lịch sự và chân thành là cốt lõi để mình giữ khách quen và cả những người mới mua lần đầu. Nghĩa không tiết lộ trung bình mình bán bao nhiêu tờ vé số mỗi ngày nhưng theo những đồng nghiệp của Nghĩa thì hai vợ chồng Nghĩa mỗi ngày bán không dưới hai trăm tờ vé số và tính mỗi tờ lời một ngàn thì sẽ ra thu nhập của vợ chồng Nghĩa.

Trong cuộc sống, mỗi nghề có sự vất vả, gian khổ riêng của nó. Không có nghề nào thấp hèn hay sang trọng khi đồng tiền kiếm được là đồng tiền chân chính. Nghề bán vé số chắc cũng vẫn là một nghề mang ý nghĩa kiếm sống chân chính.

Đào Ngọc Vinh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN