Điểm thu mua dừa hữu cơ của Hợp tác xã Nông nghiệp Thới Thạnh (Thạnh Phú).
Trồng dừa trong cơn “bão giá”
Giá dừa khô (dừa nguyên liệu phục vụ cho hoạt động chế biến) xuống thấp. Có nơi, giá dừa khô chỉ còn từ 12 - 15 ngàn đồng/chục, thậm chí thương lái tạm ngưng thu hái đã khiến nhiều nhà vườn rơi vào khó khăn, tạm thời phải chạy mượn tiền mua gạo. Đối với nông hộ có từ 3 - 5 công (1.000m2/công), thu hoạch bình quân vài trăm dừa thì không thể đủ chi phí trang trải cuộc sống gia đình.
Là xứ Dừa, những câu chuyện ngắn bức xúc tạm thời về giá dừa của người dân được nghe thấy rất nhiều ở các chỗ đông người, từ nơi đầu hẻm ra đến phiên chợ quê, quán nước, bệnh viện, trên xe buýt… Nhiều người so sánh: Với giá này thì bán mấy trăm dừa khô cũng chưa đủ tiền để đi 1 cái đám, tiệc. Thời điểm giá xăng tăng lên hơn 30 ngàn đồng/lít, người dân phải đổ 100 - 120 ngàn đồng mới đầy bình xăng xe, tức tương đương 100 dừa (120 trái). Hoặc đi ăn một dĩa cơm tiệm, một tô hủ tiếu sáng cũng được người dân nghĩ ngợi, quy chiếu ra mấy chục dừa, rồi chắc lưỡi thở dài.
Không chỉ chi phí xăng, mà nhiều mặt hàng khác tăng kéo theo giá xăng hàng loạt, khiến những hộ dân trồng dừa phải thắt lưng buộc bụng, rất dè dặt trong chi tiêu. Đến giá phân bón cũng tăng nên thời điểm này, người trồng dừa đã tạm ngưng bón phân cho vườn dừa như trước để chờ nghe động tĩnh về giá.
Ngành chức năng trả lời
Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu nhận định: Giá dừa khô bán trên địa bàn tỉnh giảm rất mạnh nên thu nhập người trồng dừa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguyên nhân giá dừa xuống thấp chủ yếu do ảnh hưởng chung của thị trường dừa trên thế giới.
Hợp tác xã Định Thủy (Mỏ Cày Nam) thu mua dừa để sơ chế và tiêu thụ với giá ổn định từ 30 - 40 ngàn đồng/chục.
“Giá bán trái dừa phụ thuộc vào nhiều phụ phẩm như: vỏ dừa, nước dừa, gáo dừa... Hiện tại, giá bán các phụ phẩm này giảm nhiều. Như nước dừa hiện chỉ còn 15 - 20 ngàn đồng/thùng 30 lít (trước đây cao điểm 130 ngàn đồng/thùng). Gáo dừa chỉ còn 1 ngàn đồng/kg (trước đây 3.500 đồng/kg)... Các sản phẩm như: chỉ xơ dừa, thạch dừa gần như không xuất khẩu được. Giá xăng dầu lên cao ảnh hưởng đến chi phí logistics, làm tăng giá thành và giá bán sản phẩm…”, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu nêu nguyên nhân.
Mặc dù số lượng trái dừa khô (dừa hột) xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm rất nhiều so với trước đây do cung ứng cho các nhà máy chế biến dừa tại tỉnh, nhưng với tình hình khó khăn chung, sản lượng dừa đi Trung Quốc đã tiếp tục giảm hơn phân nửa.
Mặt khác, nếu như trước đây chỉ xơ dừa Bến Tre xuất khẩu trung bình 55 - 65 ngàn tấn/năm sang Trung Quốc thì trong hơn 2 năm gần đây chỉ xuất khẩu 40 - 45 ngàn tấn/năm. Sản lượng thạch dừa và kẹo dừa xuất khẩu sang Trung Quốc cũng giảm mạnh.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức chia sẻ: Trong bối cảnh tình hình thị trường khó khăn nhưng hầu hết tại các nước năm nay dừa đều rất trúng mùa. Diện tích trồng dừa của nước ta chỉ 175 ngàn ha, chiếm chưa đến 2% dừa thế giới nên phải chịu sự điều tiết giá của thị trường thế giới.
Những nông hộ có diện tích ngoài chuỗi liên kết với DN, thời gian qua vẫn tiêu thụ qua hệ thống các thương lái, DN tư nhân thu mua để tiêu thụ các nơi. Thời điểm giá dừa giảm, khi nhiều thương lái ngưng thu mua, Trung Quốc bỏ ngỏ thì các DN trong tỉnh vẫn gồng sức để thu mua hết dừa tồn cho nông dân bên ngoài chuỗi liên kết. Nhưng do nội lực có hạn nên bài toán giải quyết hết nguyên liệu dừa cho nông dân trong tỉnh rất cần sự tham gia từ phía ngành chức năng, ngân hàng thương mại tại địa phương.
Trong bối cảnh đó, niềm vui đã lóe sáng cho một bộ phận người trồng dừa có liên kết và canh tác theo hướng hữu cơ do các DN dẫn dắt hỗ trợ trong thời gian qua. Hầu hết nông hộ có liên kết chuỗi đều được thu mua với giá ổn định khá, tùy theo từng vùng. Riêng với hộ có canh tác hữu cơ đã được thu mua cao hơn từ 3 - 15 ngàn đồng/chục so với dừa thường, đúng như DN cam kết trước đó.
Bài, ảnh: Cẩm Trúc