Giải quyết tranh chấp lối đi chung

04/08/2024 - 18:38

Ông N.V.D có nhu cầu tư vấn: Năm 2010, tôi và ông T mỗi người hùn 70 triệu đồng làm lối đi bê-tông chung, có chiều dài 60m, ngang 3m. Đất của tôi nằm phía trong đất của ông T. Tháng 12-2022, ông T rào đường không cho tôi đi nữa và bảo tôi mở đường đi khác. Lúc làm đường đi chung, tôi với ông T chỉ thỏa thuận miệng rồi hùn tiền vô làm, chỉ có người làm chứng chứ không có làm hợp đồng. Xin hỏi: Tôi phải làm sao để ông T mở đường đi chung. Tôi có thể yêu cầu ông T bồi thường không? Thủ tục ra sao?

Thắc mắc của ông được luật sư Lê Vũ Hồng Huệ (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Điều 254 theo Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền về lối đi qua như sau: Chủ sở hữu có bất động sản (BĐS) bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu BĐS vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ. Lối đi được mở trên BĐS liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của BĐS bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho BĐS có mở lối đi. Chủ sở hữu BĐS hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu BĐS chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Theo luật quy định thì vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định. Trường hợp BĐS được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong mà không có đền bù.

Mặt khác, theo Điều 235 Luật Đất đai hiện hành quy định về hòa giải tranh chấp đất đai thì Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp tự hòa giải. Trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai quy định tại Điều 236 của luật này, các bên tranh chấp phải thực hiện hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp.

Căn cứ vào các quy định trên, đối chiếu với trường hợp của ông, xin được tư vấn như sau: Trước tiên, ông nên thương lượng trực tiếp với ông T để giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Ông có thể nhờ người làm chứng hoặc người trung gian để hỗ trợ trong quá trình thương lượng.

Nếu giữa ông và ông T không thể thương lượng được thì ông có thể yêu cầu chính quyền địa phương can thiệp, bằng hòa giải ở cấp xã, nơi có đất tranh chấp thì mới đủ điều kiện để khởi kiện ông T (theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 04/2017/HĐTP ngày 5-5-2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao).

Trường hợp hòa giải tại UBND xã không thành thì ông có thể khởi kiện ông T tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền (nơi có BĐS) để yêu cầu giải quyết tranh chấp. Ông yêu cầu tòa án giải quyết buộc ông T phải tiếp tục cho ông sử dụng lối đi chung; đồng thời, yêu cầu ông T phải bồi thường thiệt hại cho ông (từ khi ông T rào lối đi chung lại).

Ông cần chuẩn bị các chứng cứ, chứng minh được quyền lợi của bản thân khi bị xâm phạm, bao gồm: Chứng cứ về việc hùn tiền làm đường (biên lai, người làm chứng); chứng cứ ông T rào đường không cho ông đi qua; chứng minh được rằng việc ông T rào đường đã gây thiệt hại cho ông như thế nào (kinh tế, tài sản, cây trồng có trên đất…).

H. Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN