Giám sát phòng, chống dịch SARS-CoV-2 tại huyện Chợ Lách

23/03/2020 - 20:41

BDK.VN - Ngày 23-3-2020, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch SARS-CoV-2 (Covid-19) tỉnh do ông Võ Hồng Khanh - Phó giám đốc Sở Y tế làm trưởng đoàn đã giám sát các hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn huyện Chợ Lách.

Ông Võ Hồng Khanh - Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh phát biểu tại xã Vĩnh Bình.

Ông Võ Hồng Khanh - Phó giám đốc Sở Y tế phát biểu tại xã Vĩnh Bình.

Đoàn đã giám sát tại xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Bình và Ban Chỉ đạo huyện Chợ Lách. Hiện tại, các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo, Đội phản ứng nhanh phòng chống dịch, đồng thời tổ chức tập huấn chuyên môn cho các thành viên tham gia; tuyên truyền, hướng dẫn hộ gia đình các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế; hạn chế tổ chức đám tiệc, các hoạt động có tập trung đông người, góp phần bảo đảm an toàn sức khỏe của người thân và cộng đồng.

Các trạm y tế đã chọn 1 phòng cách ly riêng để khám sàng lọc những trường hợp nghi nhiễm bệnh. Theo ghi nhận, xã Vĩnh Hòa có 2 trường hợp được cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà. Hiện tại, có 1 trường hợp đã hoàn thành thời gian cách ly 14 ngày theo quy định, 1 trường hợp đang theo dõi, sức khỏe bình thường.

Xã Vĩnh Bình hiện cách ly tại nhà 5 trường hợp; 9 trường hợp người nước ngoài xin tạm trú, trong đó có 1 trường hợp đã hoàn thành thời gian cách ly 14 ngày tại TP. Hồ Chí Minh. Qua theo dõi, kiểm tra, tình hình sức khỏe ổn định.

Qua giám sát, khó khăn của các xã hiện nay là tình trạng thiếu vật tư, trang thiết bị chống dịch. Việc quản lý các đối tượng người dân đi làm ăn xa từ các thành phố lớn hoặc từ vùng dịch trở về địa phương vào ngày nghỉ, cuối tuần còn hạn chế.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó giám đốc Sở Y tế Võ Hồng Khanh đề nghị: Các địa phương cần giám sát, quản lý chặt hơn các trường hợp có người dân về từ vùng dịch. Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp, trên địa bàn tỉnh ghi nhận một ca dương tính tại huyện Bình Đại. Việc quan trọng hiện nay là thực hiện cách ly theo đúng quy định.

Đề nghị Công an huyện kết nối với phòng Xuất nhập cảnh để quản lý chặt chẽ các đối tượng từ vùng dịch hoặc người nước ngoài đến địa phương. Ngoài ra, cần tập trung tuyên truyền để người dân không hoang mang, lo lắng. Tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh qua các kênh thông tin chính thống. Bên cạnh đó, phải thực hiện tốt vệ sinh phòng bệnh; hạn chế tập trung đông người theo khuyến cáo của Bộ Y tế; khi đến nơi công cộng phải mang khẩu trang đúng cách.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo tỉnh cũng đề nghị ngành giáo dục và đào tạo huyện tập trung tổ chức, hướng dẫn các biện pháp tổng vệ sinh trường lớp, diệt mầm bệnh; quản lý học sinh tại nhà…

Khảo sát, lựa chọn địa điểm thành lập khu vực cách ly tập trung của huyện, đồng thời, chuẩn bị hậu cần, vật tư, trang thiết bị, nguồn nước sạch phục vụ y tế, đảm bảo tốt việc cách ly phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới .

Tin, ảnh: Ngọc Diệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

  • Tín Cách đây 22 năm

    Nếu không chủ động phòng tránh và ứng phó kịp thời thì việc ngăn chặn lây lan dịch trở nên khó khăn. Đa số người dân nông thôn chưa nhận thức việc chủ động phòng tránh, chủ quan cho rằng các tỉnh không có dịch. Công tác phòng chống tỉnh chưa thật sát sao, chưa vạch ra tình huống xấu nhất để ứng phó, phải luôn trong tâm thế sẵn sàng "dịch có thể lây lan khắp nơi". Như trường hợp BN123 từ Malaysia vừa rồi. Nếu rà soát ngay từ đầu, nắm bắt thông tin kịp thời lịch trình người về nước, có hướng chủ động cách ly sớm tại nhà thì kiểm soát lây lan cộng đồng. Hy vọng tỉnh nhà có biện pháp kịp thời, chủ động hơn và tuyên truyền, cập nhật nhiều hơn về tình hình dịch bệnh để người dân luôn trong tâm tư thế sẵn sàng và tránh hoang mang .

  • Cường Cách đây 22 năm

    Công tác phòng chống dịch các tỉnh chưa chủ động, chưa sẵn sàng và chưa kịp thời. Nếu có phương hướng chủ động rà soát từng nhà, từng hộ dân, quản lý từng tổ dân, khu phố, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để lập danh sách người nước ngoài và công dân Việt Nam từ nước ngoài nhập cảnh về nước hiện đang cư trú tại địa phương thì kịp thời cách ly như trường hợp bệnh nhân 123 từ Malaysia trở về. Người dân ở các tỉnh còn rất chủ quan và chưa ý thức tự phòng tránh, đặc biệt vùng chưa có ca dịch nào. Phải luôn sẵn sàng, chắc chắn dịch sẽ đến để luôn chủ động phòng tránh.

  • Nguyên Khánh Cách đây 22 năm

    1. Chưa có phương án theo dõi và dự phòng hiệu quả, chưa dự tính tình huống xấu nhất<br /> 2. Chưa có phương thức tuyên truyền hiệu quả cho người dân, dân quá chủ quan<br /> 3. Chưa quyết liệt trong kiểm soát cách ly, chỉ vận động mà chưa có biện pháp mạnh<br /> <br /> Điều nguy hiểm nhất là sự chủ quan của người dân, chưa tự ý thức trong phòng tránh do công tác tuyên truyền chưa hiệu quả. Công tác dự phòng ở mức "nếu có" mà chưa nghĩ "chắc có" dẫn đến rà soát chưa kỹ. Trường hợp người nhiễm từ nước ngoài , bệnh nhân 123 từ Mã Lai (thời điểm chưa có ban hành cách ly tập trung) có thể lây nhiễm chéo cho hành khách cùng trên xe, và thận chí nhiều khu vực do thời gian bệnh nhân này về ngày 17/3 đến ngày 21/3 tiến hành xét nghiệm và rà soát. Đến nay việc rà soát hành khách còn lại, khoanh vùng, vạch phương hướng di chuyển của bệnh nhân, vạch sơ đồ F1, F2 có nhanh hay không thì chưa rõ. Nếu địa phương luôn trong tâm lý dự phòng kịp thời, khả năng dập dịch sẽ rất hiệu quả, phản ứng nhanh và kịp thời là yếu tố dập dịch. Mỹ và các nước châu Âu vẫn rất chủ quan, nên đến lúc dịch lan rộng mới cảm thấy hoang mang và chuẩn bị thì quá muộn.