BDK - Thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh được thực hiện hiệu quả, góp phần quan trọng giải quyết thấu đáo những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Từ đó đã hóa giải nhiều mâu thuẫn gây bức xúc trong dư luận và cộng đồng dân cư, hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp; ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật; tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt.
Công an các cấp phối hợp với các đơn vị, đoàn thể tổ chức tuyên truyền pháp luật cho học sinh.
Kịp thời giải quyết mâu thuẫn
Quyền Chủ tịch UBND xã Giao Long (Châu Thành) Thái Thanh Hùng cho biết, trên địa bàn xã có 6 tổ hòa giải với 37 hòa giải viên; mỗi tổ có từ 4 - 9 hòa giải viên, bảo đảm thành phần, huy động được lực lượng công an viên, người có uy tín trong cộng đồng tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Năm 2023, các tổ hòa giải trên địa bàn xã đã tiếp nhận tổng số 3 vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở, hòa giải thành 3/3 vụ, đạt tỷ lệ 100%. Trong 10 tháng năm 2024, hòa giải 4 vụ việc, hòa giải thành 4/4 vụ, đạt tỷ lệ 100%.
Theo ông Thái Thanh Hùng, công tác hòa giải ở cơ sở thời gian qua đã góp phần tích cực vào việc ổn định tình hình an ninh, trật tự tại địa phương; kịp thời giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân, giữ gìn tình làng nghĩa xóm; hạn chế khiếu kiện vượt cấp của người dân. Qua công tác hòa giải cũng góp phần tuyên truyền pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân.
Là thành viên gắn bó với tổ hòa giải ấp Hòa Long, xã Giao Long nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Huệ (68 tuổi), Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Hòa Long chia sẻ, khi có vụ việc phát sinh, các hòa giải viên tại ấp luôn tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn, bản chất sự việc, đồng thời, nắm bắt các vướng mắc, tâm tư, tình cảm của các bên đương sự với thái độ khách quan nhằm hướng các bên bàn bạc, thương lượng các vấn đề cần tháo gỡ. Khi đi vào quá trình hòa giải, hòa giải viên tại ấp cũng tìm hiểu về mối quan hệ của mỗi bên đương sự để trực tiếp trao đổi và tìm ra những giải pháp đúng quy định của pháp luật, giữ vững tình làng, nghĩa xóm... Phương châm trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở là kiên trì, không nóng vội, nhưng cũng không thể kéo dài.
Tạo sự đồng thuận, đồng lòng
Ông Nguyễn Văn Huệ cho biết, chính sự kiên trì, công tâm cùng với việc phân tích đúng quy định pháp luật, quyền lợi mỗi bên đã tạo sự đồng thuận, đồng lòng trong việc hòa giải đã góp phần hòa giải thành công nhiều vụ việc khó khăn, phức tạp trong thời gian qua; mà gần nhất là vụ vỡ hụi với số tiền trên 3 tỷ đồng xảy ra vào đầu năm 2024.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 957 tổ hòa giải ở cơ sở với 7.433 hòa giải viên. Lực lượng này luôn được lãnh đạo tỉnh, các ngành, các cấp quan tâm nâng cao chất lượng và hoạt động hiệu quả. Tỷ lệ hòa giải thành được giữ vững với kết quả cao, đạt trên 94%. Song song đó, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh đã quan tâm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong trường học. Các ngành chức năng đã phối hợp với Ban giám hiệu nhà trường chủ động tích hợp, lồng ghép các nội dung giáo dục pháp luật vào kế hoạch giảng dạy chính khóa các bộ môn có liên quan như: Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng - an ninh, Lịch sử… Trong đó, có sự tham gia tích cực của các cơ quan Hội Liên hiệp Phụ nữ, Công an, Đoàn Thanh niên… tổ chức tuyên truyền pháp luật cho học sinh phù hợp với lứa tuổi ở từng cấp học.
Ngoài ra, công tác phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện rộng đến nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng, trong đó, hình thức tuyên truyền qua mạng xã hội Zalo, Facebook, Fanpage… ngày càng được các tổ, nhóm của các hội, đoàn thể thực hiện rộng rãi, qua đó, đã kịp thời chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân.
Để nâng cao hoạt động hòa giải cơ sở, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam đã ký ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh phấn đấu có tối thiểu 1 tập huấn viên cấp huyện/80 tổ hòa giải ở cơ sở; tối thiểu 1 tập huấn viên cấp tỉnh/100 tổ hòa giải ở cơ sở; 100% đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện được tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp tài liệu để hướng dẫn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho hòa giải viên ở cơ sở; 100% tổ hòa giải ở cơ sở được củng cố, kiện toàn đủ số lượng, thành phần cơ cấu theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Đặc biệt, phấn đấu đến hết năm 2030, tỉnh có ít nhất 5% đơn vị cấp xã đạt yêu cầu của mô hình “cấp xã điển hình về hòa giải ở cơ sở”.