Ngành giáo dục triển khai phong trào ‘Bình dân học vụ số’

12/05/2025 - 05:42

BDK - Hơn nửa thế kỷ trước, phong trào “Bình dân học vụ” góp phần xóa mù chữ, mở ra cánh cửa tri thức cho hàng triệu người dân. Ngày nay, trong bối cảnh cách mạng số, phong trào ấy đang được “kích hoạt” với sứ mệnh mới - phổ cập kỹ năng số, xây dựng xã hội học tập hiện đại.

Hội viên Hội Khuyến học TP. Bến Tre tham gia phổ cập kỹ năng số.

Trường học là trạm chuyển đổi số

Trước yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS) mạnh mẽ, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2025 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và CĐS quốc gia. Nghị quyết đã xác định “Đây là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; được triển khai quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, nhất quán, lâu dài với những giải pháp đột phá, mang tính cách mạng”.

Nghị quyết số 57-NQ/TW được xem là một phiên bản hiện đại của phong trào “Bình dân học vụ” xưa với trọng tâm là làm chủ công nghệ, trở thành công dân số trong kỷ nguyên mới. Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS đã ban hành Kế hoạch số 01-KH/BCĐTW ngày 21-3-2025 triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”. Mục tiêu là phổ cập tri thức, kỹ năng số cho toàn dân.

Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) các tỉnh là xây dựng kế hoạch chi tiết của ngành để triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW và Kế hoạch số 01-KH/BCĐTW tại địa phương. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến phổ cập kỹ năng số cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên. Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai đồng bộ; tổ chức kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, thi đua khen thưởng.

Phó giám đốc Sở GD&ĐT Bùi Minh Nhựt cho biết: “Với quyết tâm đưa phong trào này thành hành động thiết thực, lan tỏa từ trường học ra cộng đồng tại tỉnh, giáo dục phải là nơi khởi đầu của CĐS. Chúng ta xem phong trào này không chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà còn là cơ hội để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy dạy - học, quản lý giáo dục và nâng cao năng lực số cho toàn xã hội”.

Từ đầu tháng 5-2025, Sở GD&ĐT đã tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” đến toàn ngành. Đồng thời, sở còn tiến hành xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai phong trào đến từng giáo viên, học sinh và người dân. Tổ chức các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số. Tích hợp nội dung kỹ năng số vào chương trình giảng dạy. Khuyến khích, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động tình nguyện phổ cập kỹ năng số. Ứng dụng CĐS trong quản lý, giảng dạy và học tập.

Lan tỏa đến cộng đồng

Bên cạnh nội dung giảng dạy, ngành GD&ĐT còn hình thành một hệ sinh thái học tập số, phát triển trợ lý ảo học tập, biên soạn tài liệu kỹ năng số đơn giản, dễ tiếp cận. Đẩy mạnh ứng dụng CĐS trong quản lý nhà trường và dữ liệu học sinh. Các hoạt động nổi bật dự kiến triển khai như: “Ngày hội học tập số” vào ngày 10-10 hàng năm, cuộc thi “Học sinh Bến Tre giỏi kỹ năng số”, hay các mô hình liên kết gia đình, nhà trường, xã hội đang được nhân rộng, tạo khí thế thi đua sôi nổi.

Điểm đặc biệt của phong trào “Bình dân học vụ số” của ngành GD&ĐT là khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động tình nguyện phổ cập kỹ năng số trong cộng đồng. Hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng cơ bản, truy cập dịch vụ công trực tuyến. Qua đó, hình thành các mô hình “Gia đình số”, “Tổ công nghệ số cộng đồng”, góp phần đưa công nghệ đến tận thôn ấp, hộ gia đình.

Theo đánh giá của lãnh đạo một số cơ sở giáo dục, vẫn còn tồn tại một số trường vùng nông thôn chưa có hạ tầng công nghệ ổn định. Mặt khác, năng lực số giữa các nhóm đối tượng còn chênh lệch, thói quen sử dụng công nghệ chưa đồng đều. Nhưng với sự kiên trì, tinh thần trách nhiệm và sáng tạo từ đội ngũ giáo viên, học sinh, cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, ngành GD&ĐT kỳ vọng lan tỏa phong trào theo đúng phương châm “dễ hiểu - dễ tiếp cận - dễ áp dụng”.

Theo Kế hoạch số 01-KH/BCĐTW, chỉ tiêu cụ thể trong năm 2025 có 80% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khu vực công có hiểu biết, kỹ năng số. 100% học sinh THCS, THPT và sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng số, kỹ năng an toàn số. 40 triệu người dân trong độ tuổi trưởng thành được phổ cập tri thức về CĐS, kỹ năng số trên nền tảng VNeID. 80% người dân trưởng thành có tri thức, kỹ năng số cơ bản. 

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN