Nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong phong trào Đồng Khởi tại Bến Tre năm 1960

22/12/2009 - 09:33

Kế thừa kinh nghiệm trong tổ chức chiến tranh nhân dân từ phong trào Đồng Khởi Đợt I, Tỉnh ủy Bến Tre tiếp tục phát động Đồng Khởi Đợt II theo chỉ đạo của liên Tỉnh ủy, bắt đầu từ ngày 24-9-1960 và kéo dài từ 15 đến 20 ngày. Tư tưởng tiến công, tiến công liên tục được thể hiện rõ bằng phương châm: “Tích cực sử dụng 3 mũi tấn công địch chuyển phong trào lên khắp tỉnh; tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, làm cho chúng suy yếu, xây dựng, củng cố và phát triển lực lượng cách mạng về mọi mặt, bảo đảm tấn công địch liên tục, mạnh mẽ; chọn điểm cho đúng, bố trí diện cho rộng, nổ ra cho đều, dứt điểm nhanh gọn; linh họat, cơ động đánh vào điểm yếu, chỗ bất ngờ làm cho địch bị động”.

Diễn biến đợt II của phong trào Đồng Khởi tại Bến Tre với hướng tiến công chính là huyện Giồng Trôm, hướng phụ là huyện Mỏ Cày. Mặc dù khi ấy, lực lượng vũ trang ta đã lớn mạnh, Đại đội 264 tập trung của tỉnh đã tích lũy nhiều cách đánh hay, hiệu quả, song trung tâm sức mạnh của Đồng Khởi đợt II vẫn là mũi đấu tranh chính trị của quần chúng cách mạng. Với nguyên tắc “lấy bất biến ứng vạn biến”, các huyện ủy, xã ủy đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy khắp toàn tỉnh với cách đánh linh hoạt thiên biến vạn hóa, làm kẻ địch lúng túng, bị động. Ở Thị xã, hàng vạn đồng bào kéo đi mua lương thực thực phẩm rồi tung tin: “Việt cộng sắp đánh lớn”. Ngụy quyền hoang mang cấp tốc điều 2 tiểu đoàn bảo an từ Giồng Trôm về phòng thủ Thị xã. Nhân cơ hội đó, ta vận động quần chúng có du kích hỗ trợ nổi dậy diệt ác, trừ gian lấy đồn bót, cướp vũ khí giặc tại Giồng Trôm, cắt đường giao thông từ Thị xã về Giồng Trôm. Tại Thạnh Phú, cùng với chiến thuật công đồn đả viện, ta vận động gia đình binh sĩ ngụy kêu gọi chồng con, người thân quay về nộp vũ khí cho cách mạng. Tại Châu Thành, Ba Tri, Thạnh Phú, ta khai thác cơ sở nội tuyến để lấy đồn. Khắp nơi, xã nào được giải phóng đều tổ chức mít-tinh nhằm biểu dương lực lượng, nâng cao uy thế chính trị của quần chúng, tố giác trấn áp bọn tay sai. Để áp đảo lính ngụy ở trung tâm Thị xã, tháng 10-1960 ta bố trí phóng thích hơn 100 tù binh với hình thức chở chúng bằng đò máy có cầm cờ giải phóng cập bến đò Thị xã. Quần chúng đã được vận động trước kéo ra bờ sông “đón” tù binh và tuyên truyền chính sách khoan hồng của cách mạng. Bằng chiến thuật “tâm công” địch vận táo bạo này, lính ngụy ngay Thị xã cũng phải hoang mang, suy nghĩ về con đường lầm lạc cầm súng bắn lại đồng bào mình.

Quả là Đồng Khởi đợt II tại Bến Tre đã bước sang giai đoạn “đánh bồi, đánh nhồi” liên tục ở thế tiến công, tiến công trên phạm vi toàn tỉnh làm cho chính quyền Mỹ- Diệm khủng hoảng. Phòng II Tổng tham mưu Bộ Quốc phòng của chính quyền Sài Gòn đã phải thú nhận trong bản nghiên cứu về tình hình tỉnh Kiến Hòa năm 1960 như sau: “Trong đợt “chuyển lên 10 ngày”, Việt cộng tăng cường mọi họat động quấy rối, phá hoại, biểu tình, ám sát, cướp đồn… Chúng đẩy dân chúng ra đấu tranh trực diện với chính quyền địa phương và đặt chính quyền địa phương vào tình trạng bất an ninh và khó xử”. Rõ ràng, ngay trong phong trào Đồng Khởi tại Bến Tre năm 1960 và cả Nam bộ vùng lên nổi dậy dưới ánh sáng Nghị quyết 15 của Trung ương và cả khi Mỹ cút, ngụy nhào, miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu vẫn không thể hiểu và không dám tin vào một sự thật: chính quần chúng cách mạng dưới ngọn cờ Đảng có một sức mạnh quật khởi vô bờ, có thể làm “lật thuyền”, làm rung chuyển cả bộ máy chính quyền Mỹ ở bờ Tây Thái Bình Dương.

Riêng tại Bến Tre, qua 1 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, quần chúng cách mạng với đấu tranh chính trị là chủ yếu và có sự hỗ trợ của đấu tranh vũ trang và binh vận đã chiến đấu quật cường và chiến thắng trận đầu, tạo bước ngoặt quan trọng chuyển tình thế cách mạng sang giai đoạn chủ động tiến công chiến lược. Cuối năm 1960, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đã giải phóng 51/115 xã, 21 xã giải phóng một phần. Nhân dân làm chủ 300/500 ấp. Hệ thống kìm kẹp của địch ở nông thôn cơ bản bị phá rã. Vùng giải phóng phát triển mở rộng, hơn 80.000 mẫu ruộng được chia cho nông dân nghèo. Tại vùng giải phóng, nhân dân đoàn kết, phấn khởi tăng gia sản xuất, đóng góp 18 triệu đồng cho cách mạng (Khu ủy giao chỉ tiêu 2 triệu đồng). Quân và dân Bến Tre đã tiêu diệt, bức hàng, bức rút hoàn toàn hơn 100 đồn, bót, thu 1.700 súng các loại. Đấu tranh chính trị tại Bến Tre với hơn 6.800 cuộc lớn nhỏ nổ ra với qui mô ngày càng lớn và được tổ chức ngày càng chặt chẽ với gần 600.000 lượt quần chúng tham gia. Thế trận của lòng dân và thế trận chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh đã tạo thành sức mạnh vô bờ như sóng biển trào dâng cùng đồng bào miền Nam quật khởi đánh Mỹ, diệt ngụy từ chiến công đầu đến ngày thắng lợi hoàn toàn.

Cuối tháng 12-1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời tiếp tục thực hiện Nghị quyết 15, tập hợp các lực lượng đấu tranh chính trị, phát triển lực lượng vũ trang, đưa cách mạng miền Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong đoàn quân ra trận ấy tiếp tục có “Đội quân tóc dài Bến Tre” và có thêm “Đội quân áo vàng” của phật tử yêu nước, “Đội quân áo trắng” của học sinh, sinh viên yêu nước ở các đô thị, “Đội quân áo xanh” của công nhân các thành phố lớn… Tất cả quần chúng yêu nước đòan kết hợp lực như thác nước vỡ bờ khát khao đòi hòa bình, tự do, quét sạch đế quốc Mỹ ra khỏi bờ cõi. Trong quyển Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Hòa nhịp với cuộc Đồng Khởi ở Bến Tre và Tây Ninh; các tỉnh: Mỹ Tho, Tân An, Trà Vinh, Bạc Liêu, Rạch Giá, Cà Mau, Châu Đốc, Long Xuyên, Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiến Phong, Kiến Tường… đồng loạt nổi dậy và làm chủ khoảng 2/3 số ấp, xã… Phong trào “Đồng Khởi” trên thực tế đã chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, giáng một đòn bất ngờ vào chiến lược Ai-xen-hao, đẩy chính quyền Mỹ vào thế bế tắc, mở ra bước ngoặt của cách mạng miền Nam, góp phần bảo vệ và củng cố miền Bắc”.

Huỳnh Văn Be

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN