Nghĩa vụ của bên nhận giữ tài sản

01/05/2022 - 17:59

Ông Võ Văn Hải có nhu cầu tư vấn: Tôi với ông T. là chỗ quen biết. Giữa năm 2021, tôi có mua 5 tấn lúa gửi ông T. giữ, hẹn khi nào cần tiền thì sẽ bán. Tôi trả tiền công cho ông 150 ngàn đồng/tháng. Cuối tháng 10-2021, tôi điện thoại cho ông T. nói muốn bán số lúa đã gửi. Ông T. khuyên tôi đừng bán vì đang vụ thu hoạch lúa, nếu bán thì chưa được giá và sẽ bị lỗ. Khi đến nhà ông T. thì mới biết ông đã bán hết lúa mà tôi đã gửi. Tôi đòi lúa thì ông T. cứ hẹn mà không trả. Xin hỏi: Tôi có phải trả tiền công cho ông T. hay không? Nếu muốn khởi kiện ông T. thì tôi phải làm sao?

Thắc mắc của ông được luật sư Võ Tấn Thành (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Điều 554 của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định: Hợp đồng gửi giữ tài sàn là sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó, bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại tài sản đó cho bên giữ khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.

Điều 559 BLDS quy định về trả lại tài sản gửi giữ: “1. Bên giữ phải trả lại chính tài sản đã nhận và cả hoa lợi nếu có, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. 2. Bên giữ phải trả lại tài sản đúng thời hạn và chỉ có quyền yêu cầu bên gửi lấy lại tài sản trước thời hạn, nếu có lý do chính đáng”.

Mặt khác, tại Khoản 4 Điều 557 BLDS quy định về nghĩa vụ của bên giữ tài sản là “Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng”.

Như vậy, việc ông gửi 5 tấn lúa cho ông T. giữ, đến khi nào cần ông sẽ bán. Tuy nhiên, đến khi cần bán thì ông T. đã bán hết số lúa trên, ông T. có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ số lúa mà ông đã gửi giữ.

Về tiền công, ông phải trả đủ tiền công cho ông T. khi lấy lại tài sản gửi giữ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (theo quy định tại Khoản 1 Điều 561 BLDS).

Trường hợp giữa ông và ông T. không tự thỏa thuận giải quyết được với nhau, thì ông có quyền làm đơn khởi kiện đến tòa án nhân dân cấp huyện (nơi ông T. cư trú) để yêu cầu giải quyết về việc tranh chấp hợp đồng gửi giữ tài sản.

Theo Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về hình thức, nội dung đơn khởi kiện, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện phải làm đơn khởi kiện. Việc làm đơn khởi kiện của cá nhân được thực hiện như sau: Đối với cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện, trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân khởi kiện; ở phần cuối đơn, người khởi kiện phải ký tên hoặc điểm chỉ.

Theo luật quy định, đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây: Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện. Tên tòa án nhận đơn khởi kiện. Tên, nơi cư trú của người khởi kiện. Tên, nơi cư trú của người có quyền lợi ích được bảo vệ (nếu có). Tên, nơi cư trú của người bị kiện. Tên, nơi cư trú của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có). Danh mục, tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.

Huỳnh Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN