Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

27/10/2019 - 19:23

Bà Võ Thị Hồng (Châu Thành) có nhu cầu tư vấn: Mẹ tôi viết di chúc để lại toàn bộ tài sản, gồm nhà và đất (trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng) cho người em trai út. Tôi và người anh trai cả (bị thiểu năng bẩm sinh) đang ở chung với vợ chồng tôi không được chia. Trước đó, mẹ tôi có cho tôi đất để cất nhà ở.

Xin hỏi: Nay mẹ tôi đã mất, tôi có thể kiện đòi người em út chia tài sản cho người anh cả được không?

Thắc mắc của bà được luật sư Lê Vũ Hồng Huệ (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.

Điều 626 của luật quy định người lập di chúc có các quyền sau: Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Mặt khác, theo quy định tại Khoản 1 Điều 644 BLDS 2015 về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc như sau: “1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động”.

 Trường hợp của bà, thì mẹ bà đã lập di chúc cho người em trai út của bà thì người có tên trong di chúc sẽ được hưởng di sản thừa kế của mẹ bà.

Đối chiếu với quy định trên thì người anh cả của bà vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người được thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên, bà phải chứng minh được người anh cả của bà không có khả năng lao động do bị thiểu năng; đồng thời, phải có kết luận có giá trị pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu anh của bà bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên, thì cũng cần có cơ quan chức năng kết luận.

Đối với người bị bệnh tâm thần hay bị mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi thì cũng là người không có khả năng lao động và được Tòa án tuyên bố là mất năng lực hành vi dân sự, không thể tự mình tham gia vào các quan hệ dân sự. Đây cũng thuộc trường hợp người được hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.

Do vậy, bà có thể đến Tòa án nhân dân (nơi người em trai út của bà cư trú) để được hướng dẫn thêm khi thực hiện quyền khởi kiện.

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN