Phòng tránh tật khúc xạ ở lứa tuổi học đường

18/11/2015 - 13:40

Giữ khoảng cách nhìn thích hợp để tránh tật khúc xạ.

Tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) là một bệnh phổ biến ở trẻ em và tỷ lệ đang gia tăng, đặc biệt ở lứa tuổi học đường. Theo điều tra của Khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu, tỷ lệ mắc tật khúc xạ chủ yếu ở trẻ từ 11 - 15 tuổi và tỷ lệ mắc không thay đổi ở từng cấp học.

Hiện nay, tật khúc xạ học đường chủ yếu tập trung ở khu vực nội thị, nội thành. Theo khảo sát gần đây của ngành Y tế tại các điểm trường trên địa bàn thị trấn Bình Đại, có 165/396 học sinh bị tật khúc xạ, chiếm 41,6%. Khảo sát tại một số khu vực thị trấn trong tỉnh, kết quả ghi nhận cũng tương tự.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thi - Trưởng Khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu cho biết: Những học sinh mắc tật khúc xạ sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình học tập và sinh hoạt. Trường hợp nặng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ. Có trên 70% trẻ mắc tật khúc xạ không đeo kính hoặc đeo sai độ khi cận thị. Hậu quả của việc đeo kính không phù hợp hoặc không điều chỉnh tật khúc xạ sẽ gây ra sự phát triển bất thường của nhãn cầu, vận nhãn và thị giác. Trẻ có thể bị lé, nhược thị, mất phản xạ, gò vẹo cột sống do không nhìn rõ… Có thể bệnh biến chứng nặng làm thoái hóa võng mạc mắt dẫn đến mù lòa. Việc nhận biết và phát hiện sớm tật khúc xạ ở trẻ là việc làm cần thiết nhằm góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng học tập cho các em ở lứa tuổi học đường.

 Nguyên nhân chính gây tật khúc xạ là do bẩm sinh, di truyền hoặc do thường xuyên tiếp xúc với yếu tố thuận lợi như: học tập và làm việc sai tư thế, điều kiện ánh sáng, bàn ghế không phù hợp hoặc thói quen đọc sách, xem ti-vi, sử dụng máy vi tính không hợp lý… Bác sĩ Thi cho biết thêm, biểu hiện đầu tiên của bệnh là nhìn mờ. Ngoài ra, còn có những triệu chứng như: nghiêng đầu, ngoẹo cổ khi nhìn, nhìn gần, nheo mắt, mỏi mắt và đau đầu. Nếu nghi ngờ, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khám, phát hiện sớm để có phương hướng điều trị thích hợp.

Để giữ đôi mắt khỏe và tránh các tật khúc xạ, bác sĩ Thi khuyến cáo, phụ huynh nên đưa trẻ khám mắt định kỳ 6 tháng/lần. Các em học sinh phải ngủ đủ giấc từ 8 - 10 tiếng/ngày, không thức quá khuya để đọc sách, hạn chế thời gian xem ti-vi, chơi game, sử dụng máy tính... và không đọc sách truyện có chữ hoặc hình ảnh không rõ nét, chữ quá nhỏ và trong điều kiện thiếu ánh sáng, không đọc sách khi đi xe, khi nằm hoặc quỳ. Nên nghỉ giải lao từ 5 - 10 phút sau mỗi giờ học và phải có chế độ học tập và vui chơi ngoài trời hợp lý để mắt được nghỉ ngơi và điều tiết. Phải giữ đúng tư thế ngồi thẳng lưng, không cúi mặt sát, nghiêng đầu, áp má lên bàn học. Luôn để mắt xa sách vở với một khoảng cách thích hợp (30cm đối với sách, 60cm khi sử dụng máy tính). Đồng thời cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung nhiều vitamin A, C, D có trong rau xanh và trái cây có màu vàng, lá xanh đậm để giữ cho mắt luôn hoạt động tốt.

Hiện nay, phương pháp điều chỉnh tật khúc xạ là dùng kính đeo hoặc kính áp tròng. Thời gian tới, Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu sẽ đưa phương pháp Ortho-K vào trong khám và điều trị mắt khi cơ sở mới hoàn thành (dự kiến tháng 12-2015). Đây là phương pháp điều trị được thực hiện vào ban đêm, có khả năng làm thay đổi hình dáng của giác mạc trong khi ngủ, vì vậy người mắc tật khúc xạ có thể nhìn thấy rõ mọi vật khi thức dậy.

Theo bác sĩ Thi, Ortho-K là phương pháp điều trị mới được triển khai tại Việt Nam vào năm 2014. Ortho-K sẽ giúp người mắc tật khúc xạ thoải mái hơn trong các hoạt động mà trước đó bị hạn chế bởi kính đeo. Ngoài ra, Ortho-K có khả năng làm chậm tiến trình phát triển cận thị, có thể áp dụng được cho mọi đối tượng, nhất là trẻ em.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN