Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm

06/09/2020 - 18:47

Ông Nguyễn Hoàng Vân có nhu cầu tư vấn: Cháu trai tôi (19 tuổi) đi chơi với bạn gái thì bị 2 thanh niên là A và B đón đường đánh té vào hàng rào nhưng vẫn bị họ đấm đá tới tấp. Bấy giờ sẵn có khúc gỗ nằm cạnh hàng rào, cháu tôi lấy đánh phang ngang để giải vây, chẳng may trúng vào anh A. Hai người này bỏ chạy. Sau đó, cháu tôi biết anh A bị gãy ngón tay út (trái) nên đến xin lỗi nhưng anh A nhất quyết không bỏ qua.

Xin hỏi: Cháu tôi vì tự vệ mà dùng cây đánh người, như vậy có phạm tội hay không? Tôi phải làm sao?

Thắc mắc của ông được luật sư Lê Vũ Hồng Huệ (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Điều 22 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: 

“1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”

Điều 136 BLHS năm 2015 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng như sau:

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 - 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội thì bị phạt tiền từ 5 - 20 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm…”.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 594 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường cho người bị thiệt hại”.

Như ông trình bày, cháu ông vì trong tình thế cấp thiết là bị té vào hàng rào nhưng vẫn tiếp tục bị đánh nên việc chống trả là phản xạ tự nhiên. Cháu ông đã lượm khúc gỗ bên hàng rào và phang ngang để giải vây nhằm thoát khỏi sự tấn công của hai thanh niên kia, nên có thể được xem là hành vi phòng vệ chính đáng. Tuy nhiên, đây chỉ là lời trình bày của một phía từ ông nên việc đánh giá có chống trả tương xứng hay không thì phải còn tùy thuộc vào các yếu tố khách quan khác tại hiện trường.

Anh A là người bị thiệt hại (gãy ngón tay) do tác động trực tiếp từ khúc gỗ do cháu ông gây ra. Do vậy, dù vô ý (hay cố ý) thì cháu ông vẫn phải có trách nhiệm đối với thiệt hại về sức khỏe của anh A (mức độ chịu trách nhiệm tùy thuộc vào nhiều yếu tố liên quan  khác).

Anh A có quyền yêu cầu cơ quan chức năng giám định tỷ lệ thương tật. Theo quy định, mức thương tật để phân biệt giữa hành vi phòng vệ chính đáng và vượt quá phòng vệ chính đáng là 31%. Do vậy cần phải giám định mức độ thương tích trước khi có thể đưa ra kết luận cháu ông có vượt quá mức độ phòng vệ chính đáng không, có đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích hay không?

Cháu của ông có thể đến gặp anh A để thỏa thuận về các vấn đề thiệt hại đã gây ra với anh A. Trong trường hợp anh A không chấp nhận thì cháu ông phải chờ đến kết quả giải quyết của cơ quan chức năng (khi anh A có yêu cầu).

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN