Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đào tạo lao động có tay nghề

21/07/2024 - 16:32

BDK.VN - Hiện  nay, các  doanh  nghiệp (DN)  có nhu  cầu  tuyển  dụng lao động (LĐ)  trong  tỉnh khoảng 15 ngàn LĐ, với các ngành nghề như: điện công nghiệp, điện lạnh, xây dựng, lắp ráp điện ô tô, sản xuất bi, bánh răng, hộp số, các bộ phận điều khiển và truyền chuyển động, may  công  nghiệp, sản xuất thiết  bị chiếu  sáng, sản  xuất  sợi, sản suất giấy, bao bì, chế biến thủy sản, chế biến nông sản, chế biến dừa, chế biến thức ăn chăn nuôi, dịch  vụ du  lịch...

Tăng cường hướng nghiệp cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ảnh: Tr. Quốc

Nhu cầu tuyển LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài như: Nhật  Bản,  Hàn  Quốc, Đài Loan, Đức, Úc... khá  cao. Dự kiến, mỗi năm có 2 - 2,5 ngàn  LĐ. Do đó, cần đào tạo nghề, ngoại ngữ để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Ngoài ra, dự báo nhu cầu tuyển dụng LĐ hàng năm của các  khu công nghiệp, cụm công nghiệp ngoài  tỉnh khoảng 600 ngàn LĐ, với  các  ngành  nghề như: ngành dệt  may - da  giày,  ngành  dịch  vụ,  ngành cơ khí, công nghệ ô tô, xe máy...Do đó, nhu cầu LĐ qua đào tạo nghề để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thị trường lao động các tỉnh trong khu vực và thị trường lao động ngoài nước là rất lớn.

Theo Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thanh Lâm, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của tỉnh là: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý nhà nước của các cấp chính quyền đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Triển khai các nhiệm  vụ giải  pháp,  nhằm  thực  hiện  đạt  hiệu  quả Chỉ thị số 21-CT/TW,  ngày 4-5-2023 của Ban Bí thư khoá XIII về tiếp tục đổi  mới, phát triển và nâng cao chất lượng  giáo  dục  nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đề án  số 06-ĐA/TU ngày 29-1-2021 của  Tỉnh ủy  về phát  triển  nguồn  nhân  lực đáp ứng  yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Kế hoạch số 270-KH/TU, ngày 28-6-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư khoá XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và  nâng  cao  chất lượng  giáo  dục  nghề nghiệp đến năm 2030, tầm  nhìn đến năm 2045. Chỉ đạo  lồng  ghép  các  mục  tiêu,  chỉ tiêu,  nhiệm  vụ và  giải  pháp phát triển nguồn nhân lực vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của ngành và địa phương. Tiếp tục xem phát triển nhân lực có tay nghề và chất lượng cao là khâu đột phá của tỉnh. Đặc biệt, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo LĐ cung ứng theo nhu cầu DN.

Đẩy  mạnh  công  tác  tuyên  truyền,  phổ biến  chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về giáo dục nghề nghiệp bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú. Đồng  thời,  kịp thời thông tin về thị trường lao động, các chính sách khuyến khích người dân và lao động trong độ tuổi tích cực tham gia học tập các cấp trình độ đào tạo giáo dục nghề nghiệp, nâng cao tay nghề, nhằm tiếp cận tốt việc làm với thu nhập ổn định hơn.

Tập trung đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra trên cơ sở tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, có sự tham gia của DN, đơn vị sử dụng LĐ phù hợp với chương trình đào tạo. Tích hợp các nội dung đào tạo một cách hợp lý về kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp, đạo đức  nghề nghiệp, an toàn LĐ, bảo vệ môi trường, quyền con người,  phòng, chống tham nhũng. Hình thành năng lực sáng tạo cho người  học. Tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào  thực  tiễn trong chương trình đào tạo. Xây dựng chương trình liên thông giữa các cấp trình độ đào tạo trong cùng ngành, nghề hoặc với các ngành,  nghề khác  hoặc liên thông lên trình độ cao hơn. Đổi  mới  hình thức và phương pháp thi, kiểm tra đánh giá. Khuyến khích sự tham gia của DN, đơn vị sử dụng LĐ trong đánh giá kết quảđào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy, khuyến khích tự đào tạo đạt chuẩn và vượt chuẩn quy định đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Đội ngũ giáo viên dạy nghề luôn luôn đổi  mới,  sáng  tạo  áp  dụng  linh  hoạt các phương pháp giảng  dạy,  nhằm giúp cho học sinh tiếp cận kiến thức dễ dàng nhất.

Tiếp tục phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Đoàn TNCS Hồ Chí  Minh  tỉnh, UBND các  huyện,  thành  phố tổ chức  truyền thông  về giáo  dục  nghề nghiệp,  thông  qua việc tổ chức “Ngày  hội tư vấn hướng nghiệp,  phân  luồng  học  sinh  tốt  nghiệp  THCS,  THPT và định hướng  giới  thiệu  việc  làm  sau  tốt  nghiệp”. Tổ chức “Ngày  hội  việc  làm”, “Phiên giao dịch việc làm”, nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, gắn với việc làm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với thị trường LĐ, góp phần thực hiện tốt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” theo Quyết định số522/QĐ-TTg, ngày 14-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường chủ động hợp tác với DN tạo mối quan  hệ hai  chiều. Chú  trọng công tác đào tạo  gắn  với  giải  quyết  việc  làm. Chủ động phối hợp chặt chẽ với DN để cung ứng lực lượng LĐ qua đào tạo. Ngành nghề đào tạo phải gắn với phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư của tỉnh. Tăng cường quan hệ đối tác trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường lao động. Kịp thời dự báo chính xác cung - cầu lao động có tay nghề cao để có kế hoạch đào tạo phù hợp với nhu cầu của tỉnh. Đảm bảo từ 80% trở lên người học có thể tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường.

Tập trung đào tạo các ngành nghề trọng điểm theo yêu cầu về nhân lực của địa phương như: điều dưỡng, dược, chế biến và bảo quản thủy sản, chăn nuôi thú y, điện - điện tử, du lịch, cơ khí, cắt gọt kim loại, điện công nghiệp, kỹ thuật lắp ráp và  sửa  chữa  máy  tính, kỹ thuật  máy  lạnh và điều  hòa  không  khí, quản  trị khách sạn.  Nâng  cao  chất lượng đào tạo tiếp  cận khoa  học,  công  nghệ trình độ khu vực ASEAN.

Tăng cường việc chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, nhằm triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo.

Thực hiện rà soát nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trên địa tỉnh để xây dựng Kế hoạch đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện liên thông trong đào tạo, gồm: Liên thông từ sơ cấp lên trung cấp, cao đẳng. Liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học. Thực hiện liên kết cơ sở giáo dục  nghề nghiệp  với các trường  liên  kết  với các trường có uy tín, thương hiệu ngoài tỉnh trong công tác đào tạo các cấp trình độ. Tăng cường công tác liên kết đào tạo các lớp trung cấp tại các huyện. Cụ thể: huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú, tổ chức đào tạo các ngành thế mạnh và tiềm năng về biển như: điện công nghiệp, cơ khí, công nghệ ô-tô, du lịch,... để cung ứng cho Khu công nghiệp Phú Thuận và các cụm công nghiệp vùng biển.

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN