Quốc gia đầu tiên cho tình nguyện viên khỏe mạnh mắc COVID-19 để thử vắc-xin

20/10/2020 - 19:46

Chính phủ Anh ngày 20-10-2020 xác nhận là quốc gia đầu tiên cố ý cho tình nguyện viên khỏe mạnh nhiễm COVID-19 để thử nghiệm vắc-xin.

Văn phòng hãng dược phẩm AstraZeneca tại Macclesfield, Cheshire, Anh, ngày 21-7-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Văn phòng hãng dược phẩm AstraZeneca tại Macclesfield, Cheshire, Anh, ngày 21-7-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đài Sputnik, trong một động thái nhằm tìm ra "liều lượng an toàn và thấp nhất có thể, tối đa 90 tình nguyện viên sẽ tiếp nhận một liều COVID-19 qua đường mũi. Tham gia thử nghiệm là các tình nguyện viên mạnh khỏe trong độ tuổi 18-30.

Đây là một dự án kết hợp giữa Bộ Doanh nghiệp, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp Anh cùng với Quỹ ủy thác Free London của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) và tổ chức thử nghiệm hVivo.

Các cuộc thử nghiệm dự kiến bắt đầu từ tháng 1-2021. Các tình nguyện viên sẽ được giữ lại một trung tâm y tế chuyên về dịch bệnh thuộc Đại học Royal Free ở thủ đô London. Họ sẽ được các nhân viên y tế và chuyên gia theo dõi sát sao các triệu chứng bệnh.

"Chúng tôi nghĩ với việc thực hiện một cách cẩn trọng, chúng tôi thực sự có thể hạn chế lây nhiễm và sau đó chúng tôi sẽ có thể thử nghiệm một cách khá an toàn với lượng kinh nghiệm dày dạn trong lĩnh vực này", Giáo sư Peter Openshaw làm việc trong Đại học Hoàng gia London nhận xét.

Hồi tháng 9, giai đoạn thử nghiệm lần 3 vắc-xin phòng COVID-19 do công ty dược phẩm AstraZeneca và Đại học Oxford thực hiện đã phải tạm dừng vì xuất hiện báo cáo có một người tham gia có tác dụng phụ đối với tủy sống.

Cuộc thử nghiệm này sau đó được nối lại tại Anh, song vẫn tạm ngưng ở Mỹ - nơi có khoảng 30.000 người tham gia thử nghiệm đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có Brazil và Nam Phi.

Về sau, có thông tin cho rằng bệnh nhân được khai báo không phải là người duy nhất gặp phải tác dụng phụ. Một nữ tình nguyện viên người Anh cũng gặp triệu chứng lạ khi thử nghiệm trong mùa hè nhưng vấn đề này không được AstraZeneca báo cáo.

Nguồn: Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN