Thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước và Luật thư viện

24/05/2019 - 13:13

Đại biểu Tuấn góp ý Luật Thư viện.

Đại biểu Trần Dương Tuấn góp ý Luật Thư viện.

Chiều 23-5-2019, tiếp tục Chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nghe Tổng Kiểm toán Nhà nước trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thư viện; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thư viện.

Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước và Dự án Luật Thư viện. Các vị đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre đã tham gia thảo luận.

Góp ý vào dự án Luật Thư viện, đại biểu Trần Dương Tuấn thống nhất với chính sách của nhà nước về phát triển thư viện, nhất là phát triển thư viện tại cấp cơ sở. Vì chính sách này gắn liền với các chính sách của Đảng, Nhà nước về các thiết chế xây dựng xã nông thôn mới, phát triển các thiết chế văn hóa ở xã nông thôn mới và xây dựng văn minh đô thị.

Đại biểu Tuấn đề nghị rà soát và quy định thống nhất nội dung giữa Khoản 1 và Khoản 5 Điều 11 dự thảo Luật về sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, đình chỉ, chấm dứt hoạt động thư viện. Trong đó, làm rõ thư viện công thì có bị đình chỉ hoạt động không, nếu có thì thẩm quyền đình chỉ như thế nào. Việc đình chỉ hoạt động, chấm dứt hoạt động của thư viện có phải thông báo như thủ tục thành lập thư viện không, nếu thông báo thì ai có trách nhiệm thông báo và thông báo cho cơ quan, tổ chức nào.

Đại biểu Nguyễn Việt Thắng cho rằng, thời gian qua, hệ thống thư viện hoạt động không hiệu quả, ngay cả Thư viện Quốc gia cũng rất ít người đến đọc và sử dụng các dịch vụ của thư viện. Trong hệ thống thư viện thì dường như chỉ có thư viện trường học thì hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu, học tập của giáo viên, sinh viên, tuy nhiên, số lượng người sử dụng dịch vụ thư viện cũng không nhiều. Cách tổ chức, xây dựng thư viện như dự thảo Luật là cách xây dựng thư viện cũ thời xưa, thời điểm đó, rất thiếu thông tin, người ta phải cần đến thư viện để tra cứu thông tin. Hiện nay, lượng thông tin trên mạng internet, sách, báo, tạp chí rất nhiều, nhu cầu đến thư viện để tra cứu thông tin, nghiên cứu sách báo không nhiều. Vấn đề hiện nay là vẫn còn thiếu sách đọc cho người ở nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa. Do đó, khi xây dựng hệ thống thư viện thì cần quan tâm đến đối tượng này và tăng cường mở rộng các thư viện số, hơn là tập trung xây dựng thư viện theo hệ thống hành chính.

Góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng cần xem xét kiểm toán dưới góc độ không phải là một ngành, mà là một cánh tay của cơ quan quyền lực nhà nước, có nhiệm vụ đảm bảo cho quản lý, sử dụng tài sản, ngân sách nhà nước đúng quy định và hiệu quả. Kiểm toán chuyển từ cơ quan thuộc Chính phủ sang cơ quan thuộc Quốc hội là một bước ngoặt lớn nhằm tham mưu trực tiếp cho cơ quan quyền lực nhà nước. Do đó, không nên hạn chế quyền lực của cơ quan này. Tất cả các chủ thể có liên quan đến quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước, đều phải được kiểm toán. Trong quá trình kiểm toán, cơ quan kiểm toán có quyền lần theo dòng tiền để kiểm toán đến tận gốc, do đó kiểm toán cũng có quyền kiểm toán đến doanh nghiệp không sử dụng ngân sách nhà nước để làm rõ các khoản thu của cơ quan nhà nước.

Về giao thẩm quyền giám định cho kiểm toán nhà nước, đại biểu Nhưỡng cho rằng, kiểm toán viên có thể được công nhận giám định viên tài chính, giám định viên tài sản, nhưng không nên giao nhiệm vụ này cho cơ quan kiểm toán. Báo cáo kiểm toán có giá trị pháp lý nên có giá trị cho các cơ quan khác sử dụng để giải quyết các vấn đề theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, đại biểu Nhưỡng không đồng tình giao kiểm toán có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, vì kiểm toán không phải là cơ quan hành chính. Nhưng cần phải khẳng định rằng các báo cáo, kiến nghị của kiểm toán phải được các cơ quan, tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm chỉnh.

* Trước đó, tham gia thảo luận tại hội trường, góp ý vào dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre đã có phát biểu liên quan đến các điều kiện đảm bảo cho công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia tại Chương V dự thảo Luật.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng góp ý dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng góp ý dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Theo đại biểu Nhưỡng, các điều kiện đảm bảo cho công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia được quy định tại Chương V dự thảo Luật mới nêu được vấn đề cơ bản bao gồm: kinh phí, đào tạo bồi dưỡng, xử lý vi phạm. Trong Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa thể hiện được căn bản của vấn đề. Theo quan điểm của đại biểu Nhưỡng, vấn đề xây dựng văn hóa, quan trọng nhất là cần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, đạo đức xã hội, ý thức trách nhiệm với bản thân, cộng đồng, gia đình. Nếu làm được như thế, chúng ta sẽ xóa bỏ được thói quen và tập tục cũ lạc hậu và xây dựng văn hóa mới. Ví dụ: đưa ra những quy tắc, quy chuẩn, thói quen thanh lịch uống rượu bia mà thế giới đang làm. Đại biểu đề nghị phải có quy định rõ ràng, không quy định tuyên truyền, giáo dục chung chung. Cần quy định rõ về đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia; ai sẽ là người đào tạo, trường nào đào tạo, chương trình, giáo viên, cơ sở vật chất như nào. Nếu không quy định vấn đề này, khi đưa vào quá trình thực hiện pháp luật sẽ không làm được.

 Bên cạnh đó, đại biểu Nhưỡng cho rằng xây dựng dự án Luật này, không chỉ là vấn đề xung đột giữa tác hại của rượu, bia với lợi nhuận của nhà sản xuất, mà đây là một vấn đề xã hội lớn. Bởi không chỉ liên quan đến các nhà sản xuất mà liên quan đến thu nhập xã hội, 200.000 lao động trực tiếp và gián tiếp. Do đó, cần có sự đánh giá tác động đầy đủ, cân nhắc đầy đủ các điều kiện.

Tin, ảnh: Nguyễn Văn Tân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích